image banner
“Kỳ tích” của nông dân
Lượt xem: 256
Kết quả 3 năm thực hiện phong trào thi đua giai đoạn 2011 - 2013, có hơn 21.000 hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, trong đó có 51 hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương và 2.100 hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Điều đáng chú ý là quy mô sản xuất ngày càng được mở rộng, chất lượng được nâng lên.

Nhiều hộ nông dân làm giàu từ kinh doanh cây cảnh.


Người dân Bản Pi, xã Khánh Yên Thượng (Văn Bàn) không còn lạ khi được hỏi về ông Phan Văn Chế, một trong những nông dân đã từng nghèo nhất xã. Gia đình ông đã có cuộc sống cùng cực, phải vào rừng kiếm củi, đào măng bán để có thu nhập. Sự nghèo khó ấy nay đã trở thành quá khứ khi ông Chế nắm được bí quyết làm giàu từ chính cây măng rừng ông đã từng xanh mắt tìm để đổi cái ăn qua ngày. Đói thì đầu gối phải bò, ông Chế đã bao đêm trăn trở và rồi từ đồng vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội huyện Văn Bàn, ông quyết định lựa chọn phương án sản xuất theo mô hình kinh tế tổng hợp. Sau đó, ông đầu tư trồng cây tre lấy măng bói có xen kẽ cây mồng tuế và chăn nuôi trâu kết hợp với nuôi thủy sản. “Cây măng bói là một trong những đặc sản của Văn Bàn”, ông Chế giới thiệu. Thành công đã đến với người nông dân có chí, tổng kết năm 2013, gia đình ông Chế thu được 155 triệu đồng, người nông dân nghèo nay đã hết cảnh lam lũ.

Chúng tôi gặp anh nông dân Giàng Seo Sềnh, xã Mản Thẩn (Si Ma Cai) trong một ngày cuối năm 2013, thời điểm thành công với anh trong phát triển kinh tế. Gần 30 tuổi, nhưng những gì anh Seo Sềnh làm được khiến không ít người dân xã nghèo Mản Thẩn phải nể phục. Chỉ từ những cây trồng, vật nuôi bình thường như con gà, con lợn, cây lúa, cây ngô, anh Sểnh đã làm nên chuyện. Nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng ưa sử dụng thực phẩm sạch, anh Sềnh quyết định nuôi lợn đen, gà đen để cung cấp cho thị trường. Nhưng việc làm ăn không phải lúc nào cũng suôn sẻ, 5 năm chăn nuôi thất bại, lỗ hàng chục triệu đồng, nhưng anh Sềnh không đầu hàng. Kiên trì đã có kết quả, giờ đây mỗi năm gia đình anh xuất bán hơn 5,5 tấn thịt lợn hơi, cộng với trồng ngô hàng hóa, nuôi gà sạch, tổng thu nhập của gia đình anh Sềnh đạt 110 triệu đồng. Khi phong trào xây dựng nông thôn mới lan tỏa ở xã vùng cao của huyện Si Ma Cai, anh Sềnh tích cực tham gia và là người đi đầu đóng góp cho chương trình này. Gia đình anh đã hiến 2.500 m2 đất sản xuất để làm đường giao thông nông thôn, ngoài ra anh còn ủng hộ 5 triệu đồng cho chương trình. Anh Sềnh tâm sự: Tôi không có gì phải băn khoăn khi hiến đất, bởi con đường này hoàn thành thì lợn, gà, ngô, lúa bán dễ hơn.

Nông dân Mường Khương thu hoạch ớt.


“Đại gia” sản xuất giống cây trồng Nguyễn Văn Quân, phường Thống Nhất, thành phố Lào Cai có cách làm giàu là kinh doanh cây giống và cây cảnh. Quê gốc ở Hưng Yên nhưng anh lại chọn mảnh đất biên giới Lào Cai là nơi lập thân, lập nghiệp và thành công đã đến với người nông dân không ngừng tìm tòi, sáng tạo này. Mô hình phát triển kinh tế của anh Quân tạo việc làm thường xuyên với thu nhập ổn định cho 4 lao động và hàng chục lao động theo thời vụ. Anh Quân còn là tấm gương tốt với việc hỗ trợ hàng nghìn cây giống, tư vấn và hướng dẫn kỹ thuật cho các hội viên nông dân phường. Mô hình trồng quất cảnh, cây ăn quả và sản xuất giống cây trồng đã đem lại cho gia đình anh Quân thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.

“Kỳ tích” của những người nông dân Lào Cai là không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn giúp đỡ những người xung quanh thoát nghèo. Những tấm gương nông dân làm giàu đã góp phần quan trọng trong việc thay đổi bộ mặt nông nghiệp, nông thôn./.

 


 Tác giả: Vân Thảo/LCĐT

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập