image banner
Tiếp sức cho nông nghiệp, nông thôn phát triển
Lượt xem: 200

Trước năm 2018, anh Nguyễn Văn Thắng, ở thôn An Trà, xã Sơn Hà (huyện Bảo Thắng) chủ yếu làm phụ xây với thu nhập 200 nghìn đồng/ngày công. Công việc vất vả nhưng thu nhập không ổn định do thường xuyên bị gián đoạn. Được sự tư vấn của Hội Nông dân xã, anh quyết định làm thủ tục vay vốn theo Nghị định 55. Sau khi cán bộ tín dụng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện Bảo Thắng (Agribank Bảo Thắng) thẩm định hồ sơ, thủ tục, đầu năm 2018, gia đình anh được vay 150 triệu đồng trong 3 năm để phát triển sản xuất.

Mô hình chăn nuôi gà hộ gia đình ở thôn An Trà, Sơn Hà (Bảo Thắng).

      Có vốn, gia đình anh đầu tư làm chuồng trại, mua giống gia cầm, thức ăn, thuốc thú y… theo quy mô gia trại. Ngay trong năm đầu tiên, gia đình anh bán được 2 lứa gà (khoảng 5 nghìn con), trọng lượng đạt 2,5 kg/con, thu lãi trung bình 10 triệu đồng/tháng. Anh Thắng tâm sự: Với nhà nông, đây là mức thu nhập nhiều người mơ ước. Trong thời gian tới, gia đình tôi dự định mở rộng quy mô chăn nuôi lên 5 nghìn con gà/lứa, chắc chắn sẽ cần Agribank Bảo Thắng hỗ trợ để có vốn đầu tư.

      Mặc dù có điều kiện để phát triển kinh tế rất thuận lợi với 8 ha đất đồi, rừng nhưng gia đình ông Nguyễn Xuân Tùng, ở tổ 3 thị trấn Nông trường Phong Hải (huyện Bảo Thắng) “lực bất tòng tâm” do thiếu vốn. Khi Nghị định 55 được triển khai, gia đình ông vay Agribank Bảo Thắng 1 tỷ đồng đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi khép kín hơn 2 nghìn m2, quy mô 100 con lợn nái. Đến cuối năm 2018, gia đình ông tiếp tục vay Agribank Bảo Thắng 700 triệu đồng để san gạt, mở rộng hệ thống chuồng trại chăn nuôi gà thịt thêm 1 nghìn m2. Đến nay, gia đình ông đã đầu tư vào trang trại hơn 5 tỷ đồng, trong đó vốn vay Agribank Bảo Thắng là 1,7 tỷ đồng. Với sự mạnh dạn trong phát triển kinh tế cùng với sự hỗ trợ kịp thời về vốn của Agribank Bảo Thắng, năm 2018, gia đình ông xuất bán gần 1.500 con lợn giống, thu khoảng 2 tỷ đồng, lợi nhuận đạt gần 1 tỷ đồng. Năm 2019, gia đình ông nuôi thêm 5 nghìn con gà thịt, trồng 1 nghìn cây quýt Mường Khương, 3 nghìn gốc thanh long, 500 gốc bưởi Diễn. Ông Tùng cho biết, trong đầu tư phát triển kinh tế, nguồn vốn vay từ Agribank Bảo Thắng rất quan trọng, giúp ông có điều kiện mở rộng sản xuất.

      Công ty Cổ phần Chè Thanh Bình (Mường Khương) đang sở hữu vùng chè nguyên liệu 2.500 ha, trong đó 50% diện tích là chè kinh doanh, sản lượng đạt hơn 8 nghìn tấn chè nguyên liệu/năm. Sản phẩm chè của công ty chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Đài Loan (Trung Quốc) và Trung Đông. Sự phát triển của công ty đã tạo việc làm thường xuyên cho 10 nghìn lao động nông thôn, góp phần giảm nghèo bền vững, phủ xanh đất trống, đồi trọc.

     Kết quả này có được là do công ty kịp thời tiếp cận, thụ hưởng chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55 và chính sách ưu đãi lãi suất theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Dư nợ tín dụng của công ty hiện nay khoảng 15 tỷ đồng. Ông Bùi Đức Rạng, Giám đốc Công ty Cổ phần Chè Thanh Bình cho biết: Nghị quyết 55 đã giúp công ty tiếp cận nguồn vốn để đầu tư sản xuất chè giống, thu mua, chế biến chè búp tươi và tiêu thụ chè khô, xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc phục vụ chế biến. Hiện tại, công suất nhà máy chế biến đạt 80 tấn chè búp tươi/ngày, đáp ứng đầu ra cho sản phẩm chè búp tươi của nông dân trên địa bàn.

    Trong 3 năm (2016 - 2018), thực hiện Nghị định 55 và Nghị định 116 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 55, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã đầu tư, cho vay 63.629 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay theo Nghị định 55 là 10.485 tỷ đồng, tăng trưởng dư nợ bình quân đạt 12,2%/năm. Cụ thể, cho vay theo các chương trình được triển khai theo Nghị định 55 và Nghị định 116 gồm: Cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 14 của Chính phủ (27,9 tỷ đồng); cho vay khuyến khích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch (38,8 tỷ đồng); cho vay xây dựng nông thôn mới (10.186 tỷ đồng). Nguồn vốn tín dụng đã giúp nông dân đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác (năm 2018 đạt 69 triệu đồng/ha), thêm nguồn lực cho giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Việc hỗ trợ vay vốn để phát triển mô hình trồng cây dược liệu 
tại Sa Pa đã góp phần giúp nông dân vùng cao nâng cao thu nhập.

       Ông Trương Thanh Xuân, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lào Cai khẳng định, để triển khai hiệu quả Nghị định 55 và Nghị định 116 của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lào Cai đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, ngân hàng, tổ chức tín dụng triển khai chương trình tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn cũng như nâng cao khả năng tiếp cận vốn ngân hàng của người dân và tổ chức, tập trung chuyển tải vốn tới nông dân nhanh nhất, thuận lợi nhất. Kết quả nổi bật là dòng vốn tín dụng ngân hàng được khơi thông, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Nhờ đó, kinh tế hộ phát triển mạnh, kinh tế trang trại xuất hiện ngày càng nhiều, mô hình liên kết sản xuất trong nông nghiệp được triển khai, góp phần thay đổi nhận thức của người dân về sản xuất nông nghiệp gắn với thị trường, với đối tác tham gia liên kết. Những kết quả đạt được là nền tảng để ngành ngân hàng phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2020 dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 14 nghìn tỷ đồng.

 

 Tác giả: Thanh Nam
Thanh Nam
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập