image banner
Giá phân bón giảm sâu: Nông dân phấn khởi, doanh nghiệp khó khăn
Lượt xem: 214

Từ đầu quý II năm 2023 đến nay, giá các loại phân bón giảm sâu. Một số loại phân bón có giá bán hiện chỉ bằng 1/2 hoặc 2/3 so với năm 2022. Giá phân bón xuống thấp giúp người dân giảm bớt gánh nặng về chi phí đầu tư cho sản xuất, tuy nhiên các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối mặt hàng này lại gặp khó khăn, lo lắng vì lượng hàng tồn kho nhiều.

anh tin bai

Giá phân bón hóa học giảm, nông dân trên địa bàn tỉnh phấn khởi.

Theo ghi nhận của phóng viên, giá phân bón duy trì đà giảm từ đầu năm 2023 tới nay. Đến thời điểm này, phân NPK (phân lân tổng hợp) đang được bán lẻ ở mức 290.000 đồng/bao 50kg và phân NPK Lâm Thao ở mức 320.000 đồng/bao 50kg, tương đương với mức 5.800 đồng/kg, giảm khoảng 1.600 - 2.000 đồng/kg (trong khi đó tại một số thời điểm của năm 2022, giá phân NPK lên tới 7.500 - 8.000 đồng/kg). Đạm Urê là mặt hàng có mức giảm “sốc” nhất trong nhóm các mặt hàng phân bón. Đơn cử như Đạm Urê Hà Bắc hiện có giá bán 460.000 đồng/bao 50kg, trong khi năm 2022 có giá lên tới hơn 900.000 đồng/bao 50kg.

Vụ lúa mùa vừa kết thúc, thời điểm này, nông dân các địa phương trong tỉnh đang tập trung bước vào sản xuất vụ đông. Tại xã Bảo Nhai (huyện Bắc Hà), nhiều hộ dân lựa chọn trồng ngô trong vụ sản xuất này. Phân bón vẫn đang duy trì đà giảm, người dân phấn khởi bởi lẽ đây là loại vật tư chiếm phần lớn chi phí đầu vào trong sản xuất.

Chị Hoàng Thị Thu ở thôn Mẹt Trong, xã Bảo Nhai chia sẻ: "Năm ngoái giá phân bón cao, sợ đầu tư vào trồng ngô vụ đông sẽ lỗ nên gia đình tôi không trồng. Năm nay giá phân bón giảm nên tôi trồng thêm hơn 1 sào ngô nếp và ngô ngọt tăng vụ. Ngoài sử dụng phân chuồng, tôi trộn thêm khoảng nửa bao phân lân (tương đương 25 kg). Giá phân giảm như thế, nông dân chúng tôi đỡ lo, nếu cứ cao như năm ngoái thì trồng cây gì cũng sợ lỗ vốn".

anh tin bai
Trái ngược với nông dân, các doanh nghiệp sản xuất lại lo lắng khi giá bán giảm sâu.

Theo chị Hoàng Thị Phương - chủ một cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp tại thôn Nậm Trì Ngoài, xã Bảo Nhai thì giá phân bón năm nay giảm nhiều so với năm ngoái, nhất là đạm Urê có lúc giảm tới 50%. Giá phân bón giảm sâu, đặc biệt vào thời điểm cuối vụ chiêm khiến người dân phấn khởi, đầu tư nhiều hơn vào sản xuất vụ mùa. Dẫu vậy, dù giá giảm nhưng so với thời điểm trước lúc tăng giá thì sức mua các sản phẩm phân bón vẫn rất thấp, tiêu thụ chậm.

“Người dân đang dần điều chỉnh thói quen sử dụng phân bón. Khi giá quá cao, họ dùng ít đi nhưng áp dụng các biện pháp chăm sóc khác tốt hơn, sản xuất vẫn được mùa. Bởi vậy, khi giá phân bón hạ nhiệt trở lại, họ vẫn duy trì thói quen sản xuất trước đây, nhu cầu sử dụng không thay đổi dù giá thấp hơn” - chị Phương chia sẻ.

anh tin bai
Lượng phân bón hóa học tồn kho của Công ty TNHH MTV Supe lân Apromaco đang ở mức khá cao so với cùng kỳ các năm (hơn 20.000 tấn).

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, tổng lượng phân bón cho nhu cầu sử dụng hằng năm trên địa bàn tỉnh khoảng 278.000 tấn, trong đó phân vô cơ đơn gồm: phân đạm 23.755 tấn; lân 4.655 tấn; kali 3.268 tấn; phân hỗn hợp dưới dạng NPK, NK, NP… khoảng 101.400 tấn; còn lại là các loại phân bón hữu cơ khác.

Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 7 doanh nghiệp sản xuất phân bón, trong đó sản xuất phân bón vô cơ có 5 doanh nghiệp (Công ty TNHH MTV Supe lân Apromaco, Công ty Cổ phần DAP số 2 - Vinachem, Công ty Cổ phần Hóa chất Đức Giang Lào Cai, Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam, Công ty Cổ phần Phân lân nung chảy Lào Cai) và 2 doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ (Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Lào Cai, Công ty Cổ phần Thương mại - Vận tải và tư vấn kỹ thuật).

Tổng sản lượng phân bón sản xuất năm 2022 trên địa bàn tỉnh đạt mức gần 700.000 tấn/năm. Phân bón sản xuất đảm bảo đủ cung ứng nhu cầu sản xuất của người dân trong tỉnh và các tỉnh, thành phố lân cận. Bước sang năm 2023, các doanh nghiệp duy trì sản xuất phân bón trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn về nguồn nguyên liệu nhưng sản lượng phân bón, đặc biệt là phân bón vô cơ vẫn được duy trì ổn định.

 

Do chịu tác động chung của suy thoái kinh tế toàn cầu khiến giá nhiều loại hàng hóa giảm, trong đó có phân bón. Cùng với đó, việc sản xuất nông nghiệp hàng hóa gặp khó do xuất khẩu và tiêu thụ nông sản chậm nên nhiều vùng sản xuất giảm diện tích, hạn chế đầu tư cho cây trồng, chuyển sang chăm sóc cầm chừng dẫn tới việc tiêu thụ phân bón hóa học ít đi dù giá giảm sâu.

Ông Phạm Hữu Tố, Trưởng Văn phòng đại diện Công ty Cổ phần Vật tư nông sản tại Lào Cai (Công ty TNHH MTV Supe lân Apromaco) cho biết: Phân bón Việt Nam đang cạnh tranh khá khốc liệt với phân bón của nước ngoài với chi phí sản xuất thấp lại không chịu thuế nhập khẩu, trong khi lượng tiêu thụ trong nước đang ít đi dẫn đến lượng tồn kho nhiều hơn. Các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phân bón sẽ hơi “căng” nếu tình trạng này kéo dài.

Công ty Cổ phần DAP số 2 - Vinachem (Khu Công nghiệp Tằng Loỏng) là đơn vị sản xuất phân bón tổng hợp DAP lớn nhất nhì trong nước. Năm 2023, do giá phân bón thấp trong khi giá nguyên liệu đầu vào như quặng apatit lại ở mức cao dẫn đến hoạt động sản xuất đang lỗ.

anh tin bai
Giá phân bón xuống thấp cộng với lượng tiêu thụ chậm nên Công ty Cổ phần DAP số 2 phải giảm công suất nhà máy chế biến tại Khu Công nghiệp Tằng Loỏng.

Theo ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần DAP số 2 - Vinachem, năm 2022, phân DAP có giá bán khoảng 20,2 triệu đồng/tấn nhưng hiện giảm còn 13,6 triệu/tấn. Với giá bán hiện nay, cứ mỗi tấn phân DAP sản xuất ra công ty đang lỗ khoảng 2,5 - 3 triệu đồng. Không chỉ vậy, việc tiêu thụ sản phẩm cũng rất chậm. Hiện nay, lượng phân DAP tồn kho đang là 20.000 tấn do không có khách mua hàng. Năm 2022, sản lượng của đơn vị đạt 170.000 tấn nhưng với đà này thì công ty sẽ giảm sản lượng sản xuất phân bón tổng hợp DAP xuống còn 140.000 tấn.

“Để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất trong nước, chúng tôi kiến nghị Bộ Tài chính xem xét đưa phân bón nhập khẩu vào đối tượng chịu thuế để doanh nghiệp sản xuất trong nước tăng tính cạnh tranh. Cùng với đó, Chính phủ cũng cần có cơ chế phòng vệ thương mại đối với các mặt hàng phân bón nhập khẩu để bảo vệ sản xuất phân bón trong nước” - ông Nguyễn Quốc Hưng nói.

anh tin bai

Tại nhiều cửa hàng bán phân bón hóa học, lượng tồn kho đang ở mức cao dù giá bán đã được điều chỉnh giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước.

Theo nhận định chung của các đơn vị sản xuất và kinh doanh phân bón hóa học thì từ nay đến cuối năm lượng phân bón tiêu thụ sẽ không đáng kể bởi đã hết vụ sản xuất chính. Trong khi trên địa bàn tỉnh, tại một số nhà máy sản xuất và đơn vị kinh doanh, nhập khẩu, lượng hàng tồn kho còn nhiều, vậy nên giá phân bón hóa học sẽ khó mà nhích lên. Đây là bài toán đặt ra với các doanh nghiệp trong việc tiêu thụ sản phẩm.

Nói về nguyên nhân khiến giá phân bón hóa học trên địa bàn tỉnh đang giảm sâu, ông Hoàng Chí Hiền, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Sau khi dịch Covid-19 được kiềm chế, từ đầu năm 2023, Trung Quốc bắt đầu mở cửa trở lại và không còn hạn chế xuất khẩu 29 loại phân bón sang Việt Nam dẫn đến nguồn cung phân bón trên thị trường không còn tình trạng khan hiếm cục bộ. Đây là quy luật thị trường nên các đơn vị sản xuất phân bón phải chủ động ph

Nguồn Báo Lào Cai Điện tử
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập