image banner
Hiệu quả kinh tế từ phát triển Thủy sản theo hướng công nghệ cao
Lượt xem: 178

Những năm qua, nhiều nông dân ở xã Cốc San, thành phố Lào Cai đã biết phát huy diện tích ao, hồ để tập trung vào nuôi trồng thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao. Trong đó mô hình nuôi cá của gia đình chị Hoàng Thị Chắp, người dân tộc Giáy ở thôn Luổng Đơ, xã Cốc San được coi là một điển hình. Với 2,3 ha mặt nước hồ đập chăn nuôi cá các loại, mỗi năm gia đình chị thu lãi trên 1 tỷ đồng, bình quân thu nhập 23 triệu đồng/người/ tháng, tiêu biểu cho phong trào nông dân làm kinh tế giỏi tại địa phương.

Từ năm 1991, thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng vật nuôi theo chủ trương của cấp ủy, chính quyền địa phương, sau những trăn trở về bài toán phát triển kinh tế gia đình, với suy nghĩ và ý chí quyết tâm vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương của mình, chị Hoàng Thị Chắp đã thành công khi chọn cho mình một hướng đi đó là phát triển kinh tế từ chăn nuôi thủy sản. Được sự quan tâm của chính quyền, đoàn thể xã và trung tâm khuyến nông - khuyến ngư tỉnh, chị được đi tập huấn về sản xuất và chăn nuôi thủy sản nước ngọt cùng với sự chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nơi trong và ngoài tỉnh, chị đã sử dụng diện tích 2,3 ha mặt nước sẵn có để đầu tư cải tạo, xây dựng mô hình trang trại chuyên sản xuất cá giống các loại và chăn nuôi cá thương phẩm, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương và nhu cầu của thị trường. Chị cho biết: “Những năm trước đây, gia đình tôi cũng từng sản xuất nông nghiệp trồng lúa, chăn nuôi gà, lợn nhưng do dịch bệnh, thiên tai và thiếu khoa học kỹ thuật nên kém hiệu quả, thu nhập không ổn định, đời sống gặp nhiều khó khăn. Khi chuyển sang đầu tư làm kinh tế trang trại bằng mô hình nuôi cá giống và cá thương phẩm theo ứng dụng khoa học kỹ thuật thì hiệu quả rõ rệt, thu nhập và đời sống gia đình ngày một nâng lên”.

Quá trình chăn nuôi thủy sản, bước đầu gia đình chị sản xuất và nuôi thử nghiệm nhiều loại cá (mè, trắm cỏ, chép, trôi, rô phi…) và từng bước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ sản xuất chăn nuôi như xây kè bờ ao, tường bao, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống bể, máy móc trị giá 05 tỷ đồng, ứng dụng công nghệ cao với hệ thống tạo dòng chảy và sục khí làm giàu oxy bằng quạt, chế phẩm sinh học trong xử lý môi trường nước, kỹ thuật lai tạo giống cá… do đó ngày càng nâng cao chất lượng thủy sản, đảm bảo môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ năm 2010  gia đình chị đã lai tạo thành công cá Chép sông với cá Chép lai, tạo ra giống cá Chép có đặc tính phát triển nhanh được người chăn nuôi ưa chuộng. Những năm gần đây, gia đình chị đang nghiên cứu đưa vào chăn nuôi và sản xuất cá Bỗng là loài ăn tạp cho giá trị kinh tế cao, kháng bệnh tốt, nguồn thức ăn chủ yếu là các loại tảo thực vật. Cá Bỗng trước ở sông, suối bị đánh bắt nhiều gần như tuyệt chủng nên cần được khôi phục lại nguồn zen để bảo tồn giống cá quý này. Đến nay, gia đình chị đã hoàn toàn chủ động đàn cá bố mẹ; hàng năm xuất ra thị trường từ 5-6 triệu con cá giống, cho thu nhập từ 1.250 triệu đến 1.650  triệu đồng/năm. Nguồn cá giống của gia đình chị Chắp được xuất bán trong tỉnh và các tỉnh khác như Thái Bình, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Lai Châu… Việc xuất bán cá thương phẩm cũng rất thuận lợi, phần lớn cho các thương nhân đến trực tiếp đặt mua, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.

Chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi cá giống và cá thương phẩm của mình, chị Hoàng Thị Chắp cho biết thêm: “Chăn nuôi nói chung, đặc biệt là nuôi, sản xuất cá giống, cá thương phẩm là nghề có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế gia đình và làm giàu được từ nó. Nhưng để chăn nuôi, sản xuất có hiệu quả, bền vững về cá giống, cá thương phẩm cần phải có kiến thức, sự hiểu biết, kinh nghiệm và áp dụng khoa học kỹ thuật tốt, trong đó yếu tố quan trọng là kiểm soát được môi trường nước và các điều kiện để sinh sản, phát triển, đáp ứng phòng chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”.

Với mô hình sản xuất, kinh doanh cá giống, cá thương phẩm, hàng năm gia đình chị Hoàng Thị Chắp đã tạo việc làm thường xuyên cho 8 - 10 lao động với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng, ngoài ra thuê thêm 40-50 lao động theo mùa vụ; hàng năm hướng dẫn giúp đỡ cho trên 200 hộ về kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất; cung cấp cho 30 hộ về cá giống trị giá trên 300 triệu đồng. Đồng thời, hưởng ứng phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới, gia đình chị Chắp đã hiến 1.000 m2 đất; ủng hộ tiền mặt 50 triệu đồng và hàng trăm công lao động để làm đường giao thông và các công trình nông thôn trên địa bàn. Bên cạnh đó, gia đình chị cũng đầu tư cho con, cháu ăn học tiến bộ, thành đạt, hiện có 03 cháu đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng và 01 cháu đang theo học thạc sĩ kinh tế; gia đình chị đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo tại địa phương.

Gia đình chị Hoàng Thị Chắp – Thôn Luổng Đơ, xã Cốc San

 đang thu hoạch cá chép thương phẩm

 

Hiện nay, mô hình làm kinh tế trang trại của gia đình chị Hoàng Thị Chắp thuộc diện lớn nhất xã và làm ăn có hiệu quả. Bản thân chị Chắp là người dám nghĩ, dám làm, ham học hỏi, có tính sáng tạo và luôn tìm cách áp dụng những tiến bộ mới về khoa học kỹ thuật vào thực tế để sản xuất. Ngoài việc tổ chức sản xuất làm giàu cho bản thân và gia đình, chị còn là hội viên nông dân có trách nhiệm, nhiệt tình giúp đỡ, hỗ trợ bà con trong thôn, xã cùng làm ăn, phát triển kinh tế. Mô hình trang trại nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao của gia đình chị Hoàng Thị Chắp là điển hình trong phong trào nông dân làm kinh tế giỏi tại địa bàn xã; đồng thời là địa chỉ để người dân tham quan, học tập và chia sẻ kinh nghiệm trong thực tiễn sản xuất. Với kết quả đó, nhiều năm liền gia đình chị được công nhận đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương, được tặng nhiều giấy khen của Uỷ Ban nhân dân và Hội Nông dân các cấp, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2016, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh đạt danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”.

Từ hiệu quả kinh tế mô hình trang trại nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghệ cao của gia đình chị Hoàng Thị Chắp, trong thời gian tới, cấp ủy Đảng, chính quyền và Hội Nông dân xã Cốc San tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, làm tốt công tác tư vấn, hỗ trợ nông dân, xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả; triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Đại hội Đảng bộ xã Cốc San nhiệm kỳ 2020-2025 và Quyết định số 985/QĐ-TTg ngày 16/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành mục tiêu Quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2030 góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng xã Cốc San và thành phố Lào Cai giầu đẹp.

Nguyễn Thị Miền - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cốc San
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập