image banner
Tiếp thêm khát vọng cho hội viên nông dân vươn lên thoát nghèo
Lượt xem: 123

Triển khai thực hiện Nghị định 78 của Chính phủ, hội nông dân các cấp trong tỉnh đã nhận ủy thác vay vốn với Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) để chuyển tải nguồn vốn tới hội viên, tiếp thêm cho họ khát vọng vươn lên thoát nghèo bền vững.

Gia đình anh Lương Xuân Thèn ở thôn Nà Bay, xã Làng Giàng (huyện Văn Bàn) thuộc diện hộ nghèo. Năm 2016, được Hội Nông dân xã tín chấp vay vốn từ nguồn vốn Ngân hàng CSXH huyện với số tiền 50 triệu đồng, anh Thèn đầu tư trồng rừng kết hợp với xây chuồng trại để chăn nuôi gia súc. Trong quá trình trồng trọt và chăn nuôi, anh luôn tham gia đầy đủ các lớp tập huấn kỹ thuật do Hội Nông dân xã phối hợp tổ chức, đồng thời tìm, học hỏi thêm kinh nghiệm từ những mô hình hiệu quả để áp dụng vào sản xuất. Đến nay, gia đình anh có 1 ha cây xoan, 1 ha ruộng nước và 0,7 ha mặt nước nuôi cá, 12 con trâu, bò. Hằng năm, gia đình có thu nhập khoảng 400 - 450 triệu đồng, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Anh Lương Xuân Thèn tâm sự: Nhờ Hội Nông dân xã tín chấp vay vốn Ngân hàng CSXH huyện mà gia đình tôi có vốn đầu tư phát triển kinh tế. Hiện, cuộc sống gia đình đã ổn định và thoát nghèo.

Những năm trước, do thu nhập chỉ trông chờ vào vài sào ruộng nên hoàn cảnh gia đình anh Đặng Văn Dầu (dân tộc Dao, ở bản Lụ, xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên) rất khó khăn. Được sự hỗ trợ của Hội Nông dân xã Xuân Hoà, anh Dầu đã mạnh dạn vay vốn Ngân hàng CSXH để đầu tư nuôi gà, đào ao thả cá, trồng rừng kết hợp buôn bán nhỏ lẻ nhằm tăng thu nhập. Do thiếu vốn, thiếu kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh nên anh gặp nhiều khó khăn. Với sự quan tâm động viên, giúp đỡ của chính quyền địa phương, Hội Nông dân xã, cùng tinh thần chịu khó học hỏi, kết hợp sử dụng vốn vay hiệu quả, năm 2011, từ số vốn tích lũy được và vay mượn thêm của người thân, vợ chồng anh đã mua ô tô vận tải để vừa phục vụ sản xuất, kinh doanh vừa đáp ứng nhu cầu vận chuyển nông sản của bà con trên địa bàn. Nhận thấy hiệu quả từ sản xuất ván bóc, năm 2015, anh đầu tư mở xưởng ván bóc. Sau 5 năm hoạt động, xưởng bóc ván của gia đình anh đã tạo việc làm thường xuyên cho 10 -15 lao động địa phương với thu nhập bình quân 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Từ những nguồn thu nhập trên, đến năm 2020, anh đã xây được nhà 2 tầng khang trang và mua sắm được nhiều đồ dùng sinh hoạt gia đình có giá trị, lo cho con ăn học và có cuộc sống đầy đủ, ấm no.

Cán bộ tín dụng Ngân hàng CSXH huyện Mường Khươngkiểm tra việc sử dụng vốn vay của khách hàng.

Đó chỉ là 2 trong rất nhiều hội viên nông dân thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH do hội nông dân đứng ra nhận ủy thác. Ông Bùi Quang Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Với mong muốn tất cả hội viên nông dân nghèo tiếp cận được nguồn vốn tín dụng chính sách, tiếp thêm cho họ khát vọng vươn lên thoát nghèo bền vững, Hội Nông dân tỉnh đã chủ động chỉ đạo hội nông dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai chính sách tín dụng hộ nghèo, hộ chính sách xã hội khác tới tất cả hội viên. Mặt khác, hội nông dân các cấp phối hợp với cán bộ tín dụng Ngân hàng CSXH phổ biến, tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ ủy thác cho cán bộ cơ sở hội, các chi hội trưởng, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn để thực hiện theo đúng 6 công đoạn ủy thác.

Để giúp hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác tiếp cận nhanh nguồn vốn tín dụng chính sách và sử dụng nguồn vốn hiệu quả, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã chủ động, tích cực vào cuộc triển khai, phối hợp tổ chức cho vay. Đến nay, 9/9 huyện, thị xã, thành phố và 100% hội nông dân cơ sở đã ký hợp đồng ủy thác với Ngân hàng CSXH và thực hiện cho vay thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn. Tổng dư nợ đến ngày 31/7/2022 đạt hơn 928 tỷ đồng; tỷ lệ nợ quá hạn rất thấp, chiếm 0,09% tổng dư nợ; hơn 17.000 hội viên vay vốn thông qua tổ chức hội; huy động tiền gửi tiết kiệm đạt hơn 29 tỷ đồng.

Nhờ vay vốn ưu đãi và được đoàn thể hỗ trợ tập huấn kiến thức sản xuất, kinh doanh, hướng dẫn sử dụng vốn vay, các hộ nghèo, hộ chính sách đã biết cách phát triển kinh tế hiệu quả. Đặc biệt, một bộ phận không nhỏ hội viên, nông dân nghèo ở vùng cao từ chỗ chỉ biết sản xuất tự cung, tự cấp, trông chờ vào các chính sách hỗ trợ cho không của Nhà nước nay đã biết vươn lên, tự hạch toán trong sản xuất, kinh doanh, tham gia liên kết sản xuất hàng hóa, tạo ra các vùng sản xuất lớn, tập trung như chè, chuối, dứa, rau, hoa, dược liệu…

“Đến nay, toàn tỉnh có 16.276 hộ nông dân đạt tiêu chí hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, trong đó có hơn 500 hộ nghèo đã vươn lên trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp và hàng chục nghìn hộ nghèo đã thoát nghèo. Đây là những điển hình trong việc sử dụng vốn vay Ngân hàng CSXH hiệu quả, đồng thời góp phần hiện thực hóa mục tiêu hội là tiếp thêm khát vọng thoát nghèo cho hội viên”, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bùi Quang Hưng nói.

Thông qua hoạt động tín dụng, cán bộ hội nông dân các cấp ngày càng trưởng thành, bổ sung kinh nghiệm vận động hội viên trong tình hình mới, xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh, thu hút nông dân tham gia tổ chức hội. Toàn tỉnh hiện có hơn 102.000 hội viên, chiếm 82% hộ nông dân. Nhờ đó, vị thế, vai trò của tổ chức hội nông dân ngày càng được khẳng định và nâng cao trong hệ thống chính trị.

Để chương trình nhận ủy thác vốn tín dụng chính sách hiệu quả hơn nữa, trong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH tỉnh chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng và hiệu quả sử dụng vốn. Tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, đào tạo nghề, vận động hộ nông dân sản xuất giỏi giúp đỡ hộ nghèo; đẩy mạnh tuyên truyền, biểu dương các gương hội viên nông dân tiêu biểu, điển hình trong phát triển kinh tế… giúp các hội viên có thêm kinh nghiệm thực tiễn để áp dụng, làm theo.

 

Theo nguồn Báo Lào Cai Điện tử
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập