image banner
20 năm chặng đường uỷ thác cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định 78/2002/CP của Chính phủ
Lượt xem: 118

Với chức năng của đoàn thể chính trị xã hội chủ yếu là tuyên truyền, vận động quần chúng, do vậy việc nhận uỷ thác triển khai các quy trình cho cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác thời kỳ đầu nhiều cán bộ còn gặp không ít những khó khăn, bỡ gỡ. Song, bằng trách nhiệm đoàn thể là một tổ chức đại diện chăm lo cho quyền và lợi ích của hội viên, đồng thời nhận thức sâu sắc lợi ích uỷ thác cho vay vốn cho người nghèo và các đối tượng tượng chính sách khác là cơ hội để đoàn thể tập hợp, gần gũi hội viên, vừa là để chăm lo hỗ trợ trực tiếp cho hội viên, tạo điều kiện để hội viên, nông dân nghèo sớm tiếp cận được nguồn vốn chính sách an sinh, nhân lên khát vọng vươn lên thoát nghèo. Với trách nhiệm và tình cảm đó, ngày 10 tháng 6 năm 2003 Hội Nông dân tỉnh đã ký chương trình phối hợp tổ chức triển khai ủy thác cho vay người nghèo và đối tượng chính sách xã hội khác với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh. Theo đó căn cứ vào các qui định phối hợp, Tỉnh hội chỉ đạo triển khai chính sách tín dụng hộ nghèo, hộ chính sách xã hội khác trong toàn hệ thống tổ chức Hội, chỉ đạo tuyên truyền phổ biến Nghị định số 78 của Chính phủ và các hướng dẫn, các qui định, thủ tục uỷ thác cho vay của Ngân hàng CSXH Việt Nam. Tập trung phối hợp tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ ủy thác cho đội ngũ cán bộ cơ sở Hội, các chi Hội trưởng và Tổ trưởng vay vốn của Hội để thực hiện theo đúng 6 công đoạn ủy thác.

 

(Lãnh đạo UBND tỉnh trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc tại hội nghị tổng kết 20 năm tại tỉnh)

 

Ngay trong năm 2003 chỉ đạo 8/10 HND huyện (huyện Than Uyên chưa tách về Lai Châu) đã ký hợp đồng ủy thác với Ngân hàng CSXH cùng cấp, triển khai cho 3.640 hộ vay 19,2 tỷ đồng; tính đến tháng 8 năm 2022 đã có 100% Hội Nông dân cấp huyện và Hội Nông dân cấp xã đã ký hợp đồng ủy thác, thành lập được 534 tổ tiết kiệm & vay vốn, cho vay tổng dư nợ đạt trên 938 tỷ đồng (tăng trên 48 lần so với năm 2003 thời kỳ đầu nhận uỷ thác) cho 17.813 hộ được vay vốn; nợ quá hạn rất thấp chỉ 821 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,09% tổng dư nợ; huy động tiền gửi tiết kiệm đạt trên 29 tỷ đồng, đặc biệt 20 năm nhận ủy thác không để xẩy ra xâm tiêu, chiếm dụng vốn của Nhà nước.

Được vay vốn ưu đãi, được đoàn thể hỗ trợ giúp đỡ tập huấn kiến thức, hướng dẫn sử dụng vốn vay, kỹ thuật sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt,... các hộ nghèo, hộ chính sách đã biết cách làm ăn, chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành vi, nắm bắt sâu sắc và cơ hội về chính sách ưu đãi đặc biệt của Đảng và Nhà nước giành cho mình. Điều đáng mừng nhất là phần lớn hội viên, nông dân nghèo vùng cao, vùng sâu trước đây chỉ biết sản xuất tự cung, tự cấp theo tập quán canh tác truyền thống lạc hậu, nay đã biết vươn lên tự hạch toán trong sản xuất, kinh doanh, biết tham gia liên kết sản xuất hàng hóa, tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa lớn tập trung như vùng lúa, vùng ngô, chè, chuối dứa, rau hoa, quả, dược liệu,…

 

Các vùng kinh tế nông nghiệp của tỉnh

 Cùng với nguồn vốn tín dụng và các chương trình mục tiêu, các dự án giảm nghèo khác,… tỷ lệ hộ nghèo của Lào Cai liên tục giảm sâu, bình quân đạt trên 6%/năm. Năm 2021 toàn tỉnh đã 16.276 hộ đạt tiêu chí hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, trong đó có trên 500 hộ nghèo đã vươn lên trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp và hàng chục nghìn hộ nghèo đã thoát nghèo, đây là những gương điển hình sáng tạo trong vay và sử dụng vốn Ngân hàng CSXH thực hiện giảm nghèo bền vững theo chủ trương của Đảng những năm qua.

Góp phần vào thành công như trên, hàng năm các cấp Hội chủ động xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu thi đua về chất lượng uỷ  thác tín dụng. Chỉ đạo tổ chức tuyên truyền lồng ghép với chương trình tín dụng hộ nghèo, vận động hội viên, nông dân thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất việc ủy thác và sử dụng vốn, hàng năm mỗi cơ sở kiểm tra 100% số Tổ TK&VV do mình quản lý. Cấp tỉnh và cấp huyện hàng năm kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất các cơ sở, Tổ TK&VV, người vay vốn để đảm bảo an toàn nguồn vốn, giảm nợ xấu, tránh được tình trạng xâm tiêu, chiếm dụng vốn vay, bình quân mỗi năm tổ chức tuyên truyền lồng ghép có gắn với nội dung chính sách tín dụng ưu đãi trên 7 nghìn buổi, với gần 400 nghìn lượt hội viên, nông dân. Phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức tập huấn hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất hàng nghìn buổi cho hộ nghèo, từ đó giúp cho việc sử dụng đồng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả. Phối hợp với Ngân hàng CSXH mở được trên 300 lớp tập huấn nghiệp vụ và hướng dẫn sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả. Tổ chức hàng trăm buổi hội thảo đầu bờ, đối thoại trực tiếp các chính sách với hộ nghèo, đối thoại hộ sản xuất kinh doanh giỏi với hộ nghèo,… cho trên 15 nghìn lượt người. Thường xuyên phối hợp với cán bộ tín dụng Ngân hàng CSXH tuyên truyền đến hội viên, nông dân về cơ chế, chính sách, các chương trình cho vay, quy chế hoạt động của Tổ; thông báo nợ đến hạn tới các hộ, chỉ đạo các Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn đôn đốc các hộ nợ đến kỳ trả gốc, trả lãi đúng thời gian quy định trên địa bàn mình phụ trách. Tham mưu cho UBND cấp xã kiện toàn kịp thời Tổ TK&VV; khảo sát hộ có nhu cầu vay vốn, kết nạp tổ viên với tinh thần khách quan, dân chủ, minh bạch, đúng đối tượng; tổ chức họp tổ để nắm bắt tình hình việc sử dụng vốn vay của các hộ. Chất lượng Tổ tiết kiện và văn vốn được nâng lên, đến nay trong 534 tổ do Hội thành lập quản lý, có 512 tổ đạt loại tốt, chiếm 95,9%, loại khá là 14 tổ chiếm 2,6%, loại trung bình 08 tổ chiếm 1,5%, không tổ xếp loại yếu.

(Cán bộ Ngân hàng CSXH tập huấn cho các tổ vay vốn)

 

Có thể thấy rất rõ Nghị định 78/2002/NĐ – CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi người nghèo và đối tượng chính sách khác như một luồng gió mới, giúp xua tan đi nỗi ám ảnh của hộ nghèo về thiếu vốn làm ăn triền miên; hạn chế việc cho vay nặng lãi, hạn chế tư tưởng ỷ nại chông chờ vào chính sách cho không của nhà nước, thực hiện có vay, có trả để từng bước đảm bảo công bằng trong chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. Việc triển khai chính sách tín dụng hộ nghèo đem lại hiệu quả kép to lớn như: Ngoài hỗ trợ vốn đến tay đối tượng, giúp hộ nghèo biết cách sản xuất nâng cao thu nhập đến góp phần xây dựng lòng tin, tạo điều kiện cho đoàn thể tập hợp gần gũi đoàn viên, hội viên để tuyên truyền vận động thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, các chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước ở khu vực nông thôn, đặc biệt là chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thời gian qua. Hoạt động ủy thác đã giúp cho kênh vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng, thuận lợi, an toàn, nhanh chóng, giảm thời gian giao dịch tín dụng. Thông qua hoạt động vay vốn đã tạo điều kiện cho hội viên, nông dân gắn bó với Tổ từ vay vốn đến sinh hoạt đến tương trợ giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống, tạo nên sự đoàn kết góp phần xây dựng gia đình, thôn, bản văn hóa. Thông qua hoạt động tín dụng cán bộ Hội ngày càng trưởng thành, bổ sung kinh nhiệm trong công tác vận động quần chúng trong tình hình mới, gắn bó với cơ sở xây dựng tổ chức Hội ngày càng phát triển vững mạnh, tỷ lệ nông dân vào Hội ngày một tăng, đến nay toàn tỉnh có trên 102 nghìn hội viên, chiếm trên 82% tổng số hộ nông nghiệp, nông thôn.

20 năm nhận ủy thác, rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:

          Một là, hoạt động uỷ thác cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác là một nhiệm vụ có tính xã hội hoá cao, phải nhiệt tình, có trách nhiệm và phải thường xuyên nắm bắt cơ sở để chỉ đạo.

          Hai là, để đồng vốn đầu tư cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thực sự có hiệu quả, cần có sự phối kết hợp công tác vay vốn và tập huấn nghiệp vụ với hướng dẫn cách làm ăn, tập huấn kỹ thuật sản xuất, khuyến nông, khuyến lâm. Thường xuyên động viên, khuyến khích để hộ nghèo coi nghèo là hèn kém, nghèo là thua thiệt, bỏ qua những mặc cảm, tự ty quyết tâm khát vọng vươn lên thoát nghèo.

          Ba là, các cấp Hội phải phát huy tinh thần trách nhiệm, thể hiện rõ vai trò trong hoạt động ủy thác cho vay, phối hợp chặt chẽ với cán bộ tín dụng địa bàn giám sát và kiểm tra uốn nắn việc sử dụng vốn vay; Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn phải nhiệt tình, tận tâm, tận lực, phấn đấu vì lợi ích chung.

Bốn là, phải duy trì tốt họp giao ban định kỳ đầy đủ, nắm bắt tình hình, kịp thời xử lý những phát sinh theo qui định.

Trong giai đoạn tới, Hội sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng, giảm nợ và lãi quá hạn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Quan tâm củng cố, kiện toàn các Tổ TK&VV, tiếp tục phối hợp với ngành nông nghiệp tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, đào tạo nghề, vận động hộ nông dân sản xuất giỏi giúp đỡ hộ nghèo,… đẩy mạnh tuyên truyền, biểu dương, giới thiệu các gương hội viên nông dân tiêu biểu, điển hình trong làm ăn, phát triển kinh tế giúp các hội viên có thêm kinh nghiệm thực tiễn để áp dụng, làm theo. 20 năm một chặng đường nhận ủy thác ngồn vốn tín dụng ưu đãi quan trọng giúp đỡ hội viên, nông dân giảm nghèo, thay mặt cán bộ, hội viên, nông dân các dân tộc tỉnh xin trân thành cảm ơn các thế hệ cán bộ Ngân hàng CSXH tỉnh Lào Cai đã đồng hành sát cánh cùng Hội để chuyển tải nguồn vốn an sinh xã hội đặc biệt của Đảng đến với hội viên, nông dân nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác. Hơn ai hết đội ngũ cán bộ tín dụng Ngân hàng CSXH là người đồng cam cộng khổ, là người am hiểu, thông cảm và chia sẻ những khó khăn với công tác đoàn thể nhất, kính chúc các đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc nhiều măy mắn và thành công, chung sức, chung lòng với đoàn thể thực hiện lời dạy của Bác “Làm cho người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá giầu, người giầu thi giầu thêm”.

Phạm Đăng Bốn – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập