image banner
Hội Nông dân Lào Cai phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội và tham gia xây dựng Đảng, chính quyền
Lượt xem: 253

    Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm và coi trọng vai trò chủ thể giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị- xã hội. Qua giám sát và phản biện xã hội, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước được xây dựng và thực hiện phù hợp với thực tiễn, tạo nên sự đồng thuận xã hội, phục vụ tốt hơn những vấn đề quốc kế dân sinh, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh.

    Thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW và 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành kế hoạch số 111- KH/TU ngày 29/8/2014 về “Tổ chức triển khai thực hiện Quy chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân”, đây là căn cứ, là cơ sở, là kim chỉ nam để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị- xã hội thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội của mình.

Đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trả lời chất vấn tại hội nghị

đối thoại với nông dân và các tổ chức cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp

      Với Hội Nông dân tỉnh Lào Cai, hoạt động giám sát, phản biện xã hội trong những năm qua đã phát huy tốt vai trò, năng lực giám sát, phản biện xã hội của cán bộ, hội viên nhân dân, từng bước đi vào nề nếp và trở thành nhiệm vụ thường xuyên của các cấp Hội. Hàng năm, các cấp Hội chủ động đăng ký với cấp ủy các nội dung cụ thể, xây dựng kế hoạch và phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức giám sát theo yêu cầu đề ra. Các nội dung giám sát và phản biện xã hội được lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm vào những vấn đề được hội viên và nhân dân quan tâm, đặc biệt là các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, an ninh trật tự xã hội ở nông thôn. Thông qua giám sát đã chủ động nắm bắt, theo dõi, phát hiện những sai sót, bất cập trong thực thi chính sách có liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn từ đó kiến nghị, đề xuất với cấp ủy, chính quyền các cấp kịp thời bãi bỏ, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tiễn.

       Bên cạnh đó công tác giám sát, phản biện xã hội còn những tồn tại, khó khăn, hạn chế: Chưa huy động được đông đảo nông dân tham gia vào quá trình giám sát, phản biện xã hội; nhận thức của một số cán bộ Hội, cơ sở hội về chức năng, vai trò giám sát, phản biện xã hội của tổ chức Hội chưa đầy đủ, còn lúng túng trong lựa chọn nội dung giám sát và phản biện xã hội do thiếu kỹ năng, kinh nghiệm; nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền các cấp nhất là người đứng đầu về vai trò giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức đoàn thể chính trị còn hạn chế nên chưa quan tâm đúng mức đến lãnh đạo và phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể chính trị tham gia giám sát, phản biện đối với những quyết sách lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự ở địa phương, đơn vị...

Đ/c trần Thị Hằng (ngồi thứ 5 từ bên trái sang) dự họp chi hội nông dân tại xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát

     Để tiếp tục phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị- xã hội trong giám sát và phản biện xã hội, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI nhiệm kỳ 2020- 2025 đã ban hành đề án số 15-ĐA/TU về “phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội và tham gia xây dựng Đảng, chính quyền của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị- xã hội tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020- 2025”. Đề án đã đưa ra 4 mục tiêu thực hiện là:(1)Tổ chức thực hiện 234 cuộc giám sát trên 8 nội dung, lĩnh vực (Quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ; quy định thực hiện công tác dân vận trong thực hiện các dự án; thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản có liên quan đến nước sạch thủy lợi, giao thông nông thôn, nhà ở cho người nghèo; thực hiện các dự án, đề tài về nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ; thực hiện công tác phòng chống tham nhũng; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; triển khai xác định chỉ số hài lòng của người dân, hoạt động khai thác khoáng sản...); (2) Hàng năm tổ chức trên 20 cuộc tiếp xúc đối thoại cấp tỉnh, huyện; (3) thực hiện phản biện đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được yêu cầu; (4) tổ chức tập huấn kỹ năng, học tập kinh nghiệm giám sát, phản biện cho 100 % cán bộ thực hiện nhiệm vụ. Đề án đã chỉ rõ 6 nhiệm vụ trong công tác giám sát, phản biện xã hội và 5 nhiệm vụ trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và các giải pháp, tổ chức thực hiện phù hợp với chức năng nhiệm vụ của mỗi tổ chức, phát huy hiệu quả công tác phối hợp.

    Để thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội giai đoạn 2020- 2025 góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

   Thứ nhất: Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội, trong đó có vai trò, trách nhiệm quan trọng của Hội Nông dân.

    Thứ hai: Kịp thời kiện toàn Ủy ban kiểm tra Hội Nông dân các cấp; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội cho cán bộ Hội; gắn trách nhiệm mỗi cán bộ Hội phải thường xuyên theo dõi, nắm tình hình, cung cấp thông tin thuộc lĩnh vực, địa bàn được phân công công tác.

    Thứ ba: Đưa công tác giám sát, phản biện xã hội là một nội dung bắt buộc và thường xuyên trong sinh hoạt chi Hội, hàng tháng có báo cáo tổng hợp tình hình tâm tư, nguyện vọng của nông dân về kết quả thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội ở địa phương. Hội Nông dân cấp trên cử cán bộ về dự  sinh hoạt với chi, tổ Hội ít nhất 1 lần/năm.

    Thứ tư: Tăng cường công tác kiểm tra công tác Hội theo Điều lệ và nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội của Hội Nông dân cấp dưới; lấy chất lượng công tác kiểm tra làm một trong các tiêu chí nhận xét đánh giá, xếp loại hàng năm.

    Thứ 5: Căn cứ vào đề án số 15-ĐA/TU về Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội và tham gia xây dựng Đảng, chính quyền của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020- 2025”, các cấp Hội Nông dân xây dựng kế hoạch cả giai đoạn và hàng năm để hiệp thương với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp từ đó chủ động thực hiện, nâng cao hiệu quả hoạt động.

    Thứ sáu: Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể chính trị- xã hội và các ngành tranh thủ sự tham gia của các chuyên gia trong các lĩnh vực để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ giám sát, phản biện của tổ chức Hội; tăng cường giám sát việc giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền và chính quyền các cấp về đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của hội viên, nông dân và nhân dân cũng như các kiến nghị, đề xuất của tổ chức Hội sau các cuộc giám sát.

    Việc thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội sẽ góp phần khẳng định vai trò của Hội Nông dân trong xây dựng khối đại đoàn kết, tạo sự đồng thuận xã hội, đưa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thực sự xuất phát từ thực tiễn đời sống nhân dân, đi vào cuộc sống người dân, tạo sự đồng thuận giữa “ý Đảng” hợp với “lòng dân” góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh./.

Trần Thị Hằng - Phó Chủ tịch HND tỉnh
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập