image banner
Xây dựng nông dân Lào Cai chuyên nghiệp
Lượt xem: 127

Mới đây, tại Diễn đàn nông dân quốc gia lần thứ VII  đã đặt vấn đề cần thiết phải xây dựng người nông dân chuyên nghiệp. Đây là vấn đề rất quan trọng và ý nghĩa nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 19 ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vào cuộc sống. Phóng viên Báo Lào Cai đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Quang Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh về vấn đề này.

anh tin bai
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bùi Quang Hưng thăm mô hình trồng cây dược liệu tại Bắc Hà.

Phóng viên: Thưa ông, việc xây dựng nông dân Lào Cai chuyên nghiệp có ý nghĩa như thế nào?

Ông Bùi Quang Hưng: Để thực hiện thành công mục tiêu Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án số 01 của Tỉnh ủy về “Phát triển nông, lâm nghiệp, sắp xếp dân cư, xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025”; Nghị quyết số 10 ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì phải xây dựng và đào tạo nông dân có tư duy làm nông nghiệp mới, kỹ năng, trình độ chuyên môn cao, có kiến thức khoa học - kỹ thuật tiên tiến, kỹ năng sử dụng máy móc, tin học và các loại dịch vụ công. Đặc biệt, nông dân phải biết liên kết hợp tác chặt chẽ, tích cực trong sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, đủ kiến thức tiếp cận thị trường, biết tính toán, hạch toán trong sản xuất, kinh doanh.

Muốn làm được như vậy, đòi hỏi mỗi nông dân phải chuyên nghiệp về tác phong làm việc, kỹ năng tổ chức sản xuất, kết nối thị trường.

Phóng viênĐược biết, nông dân chuyên nghiệp phải là người có tri thức, kỹ năng nghề nghiệp. Vậy việc “tri thức hóa nông dân” sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Bùi Quang Hưng: “Tri thức hóa nông dân” là cả quá trình đòi hỏi sự phối hợp của nhiều bên, trong đó có cả Nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã và chính nông dân, tổ chức hội nông dân phải là nòng cốt để đồng hành với người dân. Do vậy, hội nông dân sẽ tiếp tục đề xuất cũng như tham gia xây dựng cơ chế, chính sách nhằm nâng cao trình độ của nông dân đáp ứng với yêu cầu mới; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đồng hành hỗ trợ nông dân từng bước nâng cao kiến thức sản xuất, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học nông nghiệp, tín dụng, thương mại. Quan trọng hơn, chính nông dân phải nỗ lực vươn lên, hình thành những phẩm chất cần thiết để thích ứng thời kỳ chuyển đổi số, cần có đột phá về tư duy sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ mới, hiện đại, thân thiện với môi trường, sản xuất ra những sản phẩm chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị để tăng khả năng cạnh tranh, gia tăng giá trị cho sản phẩm.

Phóng viênĐể “tri thức hóa nông dân” đối với một tỉnh miền núi, vùng cao, hội viên nông dân đa số là người dân tộc thiểu số sẽ có nhiều khó khăn, thưa ông?

Ông Bùi Quang Hưng: Lào Cai là tỉnh miền núi, vùng cao, tỷ lệ hội viên nông dân là người dân tộc thiểu số cao, trình độ của nông dân còn hạn chế, sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, cơ hội tiếp cận thông tin còn hạn chế, nhất là thông tin về thị trường tiêu thụ nông sản, cho nên việc “tri thức hóa nông dân” gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là thay đổi tư duy trong sản xuất.

Tuy nhiên, với quyết tâm chính trị cao, thời gian qua, tỉnh đã ban hành các chương trình, nghị quyết, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi số trong nông nghiệp. Cùng với đó, cần sự vào cuộc của các ban, ngành và đồng hành tích cực của hội nông dân các cấp để tuyên truyền, hỗ trợ nông dân triển khai các chính sách về sản xuất nông nghiệp, các hình thức tổ chức sản xuất, hỗ trợ nông dân về khoa học - kỹ thuật, vốn, giống, đào tạo kỹ năng sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương gắn với các điểm du lịch, đưa các sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp/tổ hợp tác, hợp tác xã…

Làm được như vậy, trình độ chuyên môn, tay nghề, kỹ năng quản lý sản xuất, kinh doanh, nhận thức cũng như hiểu biết của nông dân về các vấn đề xã hội, kinh tế sẽ được nâng cao.

Phóng viênTại Diễn đàn nông dân quốc gia lần thứ VII, một vấn đề đặt ra là muốn xây dựng nông dân chuyên nghiệp phải trả lời những câu hỏi từ nông dân. Vậy, những câu hỏi mà nông dân Lào Cai đang đặt ra và cần được trả lời là gì, thưa ông?

Ông Bùi Quang Hưng: Nông dân Lào Cai đang đặt ra nhiều câu hỏi: Sản xuất cái gì? Sản xuất như thế nào? Tiêu thụ ở đâu? Chính sách hỗ trợ như thế nào?

Để giải quyết các câu hỏi của nông dân, vừa qua, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 26, Nghị quyết 33, đồng thời kêu gọi, thu hút đầu tư chế biến các sản phẩm nông nghiệp, tổ chức xúc tiến, quảng bá tiêu thụ những sản phẩm đặc hữu của tỉnh. Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 10 về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó chỉ rõ 7 ngành hàng chủ lực và các sản phẩm tiềm năng của Lào Cai để định hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa trong thời gian tới, đồng thời cũng là trả lời cho các câu hỏi mà nông dân đặt ra.

Phóng viên: Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, việc xây dựng nông dân chuyên nghiệp là rất cần thiết. Vậy, hội nông dân các cấp sẽ phải làm gì để sớm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nông dân Lào Cai chuyên nghiệp, thưa ông?

Ông Bùi Quang Hưng: Xác định nông dân là chủ thể, là trung tâm của phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới và chuyển đổi số, do vậy, hội nông dân các cấp phải chủ động thực hiện đầy đủ, trách nhiệm, giúp hội viên, nông dân thích ứng với xu thế phát triển mới.

Theo đó, hội nông dân đẩy mạnh tuyên truyền để hội viên, nông dân nắm chắc, nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tạo sự đồng thuận, để nông dân thực sự phát huy vai trò chủ thể trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ của nông dân, tạo điều kiện để nông dân học tập, trao đổi kinh nghiệm, tiếp thu chuyển giao khoa học - công nghệ và ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại, hội nhập, phát triển.

Vận động hội viên, nông dân cùng các đơn vị liên quan tham gia liên kết theo chuỗi trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhằm giảm chi phí đầu vào và tăng giá trị đầu ra, chủ trì tạo mối liên kết 6 nhà “Nhà nông - Nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp - ngân hàng - nhà phân phối”; xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể, tiến đến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp.

Phóng viênXin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Theo nguồn Báo Lào Cai Điện tử
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập