image banner
Người làm kinh tế giỏi ở Kim Sơn
Lượt xem: 140

Với khát vọng làm giàu, ông Nguyễn Văn Đông, Trưởng thôn Tân Văn 2, xã Kim Sơn (huyện Bảo Yên) luôn chịu khó tìm tòi, học hỏi và áp dụng thành công mô hình nuôi các loại cá giống nước ngọt như trắm, rô phi, chép... thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Ông Đông (áo tím) chăm sóc cá giống. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh thôn, dọc 2 bên đường bê tông là những ngôi nhà xây khang trang soi bóng xuống ao cá san sát nhau, ông Đông bộc bạch: Ở thôn Tân Văn 2, hầu như nhà nào cũng có ao nuôi cá. Nuôi cá đã trở thành một nghề mang lại thu nhập chính cho người dân địa phương; những ngôi nhà khang trang mọc lên chủ yếu nhờ vào nghề nuôi cá.

Kể về quá trình bén duyên với nghề nuôi cá giống, ông Đông cho biết: Hồi còn trẻ, tôi hay đánh bắt cá ở sông, suối. Khi bắt được những con cá đẹp, giống cá lạ hoặc quý hiếm, tôi thường không ăn mà thả vào ao nhà để “thuần hóa”. Từ sở thích này cộng với việc thấy nhiều hộ nuôi cá thương phẩm trong thôn phải mua giống từ nơi khác với giá cao, tôi nảy ra ý định nuôi cá giống để bán cho bà con trong vùng.

Nghĩ là làm, từ năm 2008 đến năm 2010, ông Đông khăn gói về Nam Định học nghề nuôi cá. Thời gian đầu, ông gặp rất nhiều khó khăn. Những con cá mới nở rất nhỏ, cá bột chỉ nhỏ như sợi tóc, cá hương chỉ bằng chân tăm… mỗi loại lại cần chế độ chăm sóc khác nhau. Thức ăn của cá bột là lòng đỏ trứng gà được bóp nát, thức ăn của cá hương lại là cám nghiền nhỏ. Có thời điểm cá con nhập về chưa được bao lâu đã chết mất gần nửa do thiếu kinh nghiệm chăm sóc và bị ảnh hưởng bởi thời tiết; có lần sơ ý quên không tắt máy bơm cũng khiến cá trong bể tràn ra cống, rãnh mất hết cả mẻ.

Tuy thất bại nhưng ông Đông không nản lòng vẫn kiên nhẫn mày mò, vừa làm vừa học hỏi, rút kinh nghiệm. Theo ông Đông, ương cá giống đòi hỏi phải rất tỉ mỉ, cầu kỳ. Trước khi thả cá, ao phải được bơm cạn, vét bùn đáy, dùng vôi bột khử trùng nhằm hạn chế các loại bệnh, cần theo dõi cá nổi đầu vào buổi sáng sớm để biết sức khỏe của cá từng ngày; thường xuyên kiểm tra chất lượng nước, gây màu nước định kỳ 1 lần/tuần để đảm bảo nguồn thức ăn cho cá. Nguồn thức ăn cũng phải được tính toán cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cá.

Giờ đây, ông Đông đã có hơn 10 năm kinh nghiệm chuyên canh ương nuôi cá giống. Hiện tại, gia đình ông có 5 ao cá nuôi ương các loại cá chép, trắm, trôi, rô phi… sản lượng xuất bán hơn 1,5 tấn cá mỗi năm, giá bán từ 120 nghìn đến 250 nghìn đồng/kg tùy loại, đem lại nguồn thu ổn định hơn 200 triệu đồng cho gia đình. Khách hàng cũng mở rộng ra các xã lân cận.

Ông còn sẵn sàng truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm cho các hộ trong thôn, trong xã kỹ thuật nuôi, chăm sóc, phòng trị bệnh cho cá. Ông Đông cho biết: Cá giống thường nhỏ, dễ chết nên việc nuôi ương, thâm canh, đánh bắt, vận chuyển khi mang đi tiêu thụ đều phải tỉ mỉ và có kỹ thuật. Để đảm bảo chất lượng con giống và năng suất, phải cải tạo ao, thường xuyên thay nước, vệ sinh ao nuôi theo định kỳ, cho cá ăn đúng giờ, bảo đảm chất lượng thức ăn. Sau mỗi lứa thu hoạch cá giống, người nuôi cần tháo hết nước trong ao rồi rắc vôi bột khử trùng hoặc xử lý ao nuôi trước khi thả cá bằng các chế phẩm sinh học. Bờ ao cũng phải được gia cố chắc chắn, tránh rò rỉ. Để cá giống khỏe mạnh, thích nghi với môi trường mới, trước khi xuất bán khoảng 3 đến 5 ngày phải “quấy dẻo” trong ao ương. Cách làm là cho cá nhịn đói 1 đến 2 ngày, dùng trà rào kéo quanh ao hoặc lội xuống khuấy khùa 2 đến 3 vòng quanh ao cho nước vẩn đục, cho cá thích nghi dần với môi trường không thuận lợi.

Mô hình nuôi cá giống của ông Đông thành công đã tạo thêm động lực, khích lệ người dân nơi đây phát triển kinh tế.

Theo nguồn báo ĐTLC
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập