image banner
Nông dân Sa Pa gồng mình cứu sản nghiệp sau mưa tuyết
Lượt xem: 206

Huyện Sa Pa, vựa rau, su su, hoa của tỉnh và độc đáo hơn là những sản phẩm nông sản đặc trưng của xứ lạnh. Khu vực thị trấn Sa Pa và các xã lân cận, xã vùng hạ huyện có hơn 1.000 hộ chuyên trồng su su, hoa hồng, hoa lan và rau màu các loại.

Với những hộ dân, đó là nguồn thu nhập chính, nhưng đợt mưa tuyết, tiếp đó là rét đậm, rét hại kéo dài đã khiến nhiều hộ “trắng tay”.

Một tháng sau trận mưa tuyết, chúng tôi có mặt tại tổ 14, thị trấn Sa Pa trong khi trời vẫn âm u, giữa trưa nhưng cái lạnh 5 độ C vẫn như “cắt da, cắt thịt”, gió vẫn thổi mạnh trong làn sương mù dày đặc.

Ông Nguyễn Quang Tạo, Tổ trưởng tổ dân phố 14, cùng cậu con trai đang miệt mài dùng dao phát thu dọn những đám dây su su bị héo khô khiến chúng rối như mớ tóc. Ông Tạo ngậm ngùi: “Hôm đó, buổi sáng mở cửa ra đã thấy bên ngoài bao trùm màu trắng tinh của tuyết. Tuyết phủ kín và dày đến 50cm thì giàn nào chịu nổi. Hơn 2 ha giàn su su đổ rạp trên mặt đất, những cây cột bê tông vốn được coi là vĩnh cửu nhưng gãy hàng loạt vì dây thép giằng kéo các cột với nhau”.

Diện tích rau được khôi phục.


Tổ dân phố số 14 có 70/76 hộ gia đình sống chủ yếu bằng nghề trồng su su. Sau mưa tuyết, bà con trong tổ đã tập trung cao độ về nhân lực, vật lực để thu nhặt những quả su su còn có thể nảy mầm, thu dọn dây su su bị héo khô, xới đất, bón phân quanh gốc cũ để kích thích su su tái sinh và dựng lại giàn.

Với những gốc su su bị "chín nũn", khó có khả năng phục hồi thì mua giống trồng dặm. Khó khăn lớn nhất vẫn là nguồn giống, theo thói quen, người dân vẫn để giống trên giàn, chờ khi hết vụ mới thu về bảo quản nhưng lượng giống này đến nay đa số đã hỏng hết vì tuyết lạnh.

Để làm lại giàn su su cần vốn đầu tư rất lớn, theo cách tính của những hộ dân nơi đây thì mỗi 1 ha su su có 200 gốc, số cọc đỡ giàn cũng tương đương, nếu cộng mọi chi phí cũng cần tới 150 đến 250 triệu đồng/ha.

Chưa có tiền đầu tư, nhiều hộ dân khắc phục nhanh bằng cách mua cây chống bằng gỗ, tre hoặc tận dụng lại những cọc cũ để dựng lại giàn, kịp cho vụ sản xuất tới.
Người dân giúp nhau dựng lại giàn su su.


Anh Nguyễn Đức Minh, hộ chuyên canh rau ở tổ 11a, thị trấn Sa Pa, có hơn 1ha đất trồng rau các loại. Những luống  rau đang thì xanh tươi mơn mởn bỗng nhiên tuyết lấp đầy, tài sản và mồ hôi công sức chỉ sau một đêm đã mất trắng khiến anh Minh khi đó chỉ biết ngồi thừ ra xót lòng.

“Nếu không có đợt tuyết vừa qua thì bây giờ tôi đã bắt đầu cắt bán lứa rau cải ngồng, xà lách và bắp cải, cứ độ này là thương lái mua rau với giá cao, ngẫm lại càng tiếc” anh Minh nói trong ngậm ngùi. Mọi năm, trồng rau vụ đông cho gia đình nguồn thu hơn 100 triệu đồng, năm nay có mấy luống rau hai vợ chồng anh Minh cố bốc tuyết để cứu lấy nhưng cũng chỉ bán được 5 triệu đồng.

Nhưng gia đình đã không đầu hàng, sau khi tuyết tan được 2 tuần, vợ chồng anh Minh và các hộ dân tại tổ 11a cùng nhau bắt tay làm đất, xuống giống lứa rau mới với hi vọng có rau bán vào tháng 2 (âm lịch) năm sau.

Theo thống kê của huyện Sa Pa, trận mưa tuyết đã làm sập khoảng 80ha giàn su su, trên 10ha cây Actiso bị gãy lá, trên 60ha rau vụ đông bị thiệt hại hoàn toàn, hơn 300 con gia súc bị chết rét, tổng thiệt hại trên 20 tỷ đồng.

Hiện, thời tiết vẫn còn diễn biến khá phức tạp, chính quyền và người dân trên địa bàn huyện đang tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống đói rét cho cây trồng và vật nuôi.

Ông Nguyễn Tiến Thành, Trưởng phòng Kinh tế huyện Sa Pa cho biết, hiện Phòng Kinh tế đang chỉ đạo, hướng dẫn người dân cứu cây trồng bằng biện pháp như ủ ấm bằng rơm, rạ, tưới nước và dùng lưới che, đặc biệt là đối với các loại hoa, rau phục vụ dịp Tết Nguyên Đán tới.


Dựng lại giàn su su.

Đối với gia súc, ngành nông nghiệp tiếp tục khuyến cáo người dân nuôi nhốt trong chuồng kín gió, cho trâu, bò ăn những thức ăn dự trữ như rơm, thân cây ngô và cỏ. Trong những ngày rét đậm, cho gia súc ăn thêm thức ăn tinh như cám ngô để có sức chống rét.

Hiện tại UBND huyện Sa Pa đã có phương án hỗ trợ thiệt hại cho người dân bị thiệt hại hoa màu sau mưa tuyết với mức 1 triệu đồng/1ha rau, 20 triệu đồng/1ha su su.

Ông Nguyễn Tiến Thành cũng cho biết thêm, huyện đang nỗ lực để nguồn hỗ trợ sớm đến tay người dân, nhưng điều quan trọng hơn cả vẫn là sự chủ động của bà con trong khôi phục sản xuất như cách gieo giống rau ngắn ngày.

Đi dọc tuyến đường từ Sa Pa đến Ô Quý Hồ, đâu đâu cũng gặp cảnh người dân tấp nập lên đồi, xuống thung lũng dựng lại giàn su su, chăm sóc hoa, và trồng rau. Tiếng nói cười đã trở lại dù phía trước vẫn còn muôn vàn khó khăn, đó cũng là truyền thống của người nông dân Việt Nam từ hàng nghìn đời.

Đâu đó đã có những luống rau đã chớm có màu xanh, màu xanh của hy vọng./.

 


 Tác giả: Kim Thoa/LCĐT

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập