image banner
HOẠT ĐỘNG HIỆU QUẢ CỦA QUỸ HỖ TRỢ NÔNG DÂN TỈNH LÀO CAI
Lượt xem: 374

Quỹ HTND giúp các hộ gia đình đầu tư phát triển đàn ngựa

 
    Năm 1996 nguồn vốn vận động quyên góp và nguồn vốn Trung ương Hội ủy thác là 626 triệu, đến nay tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp trong tỉnh đạt 24,745 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn Trung ương ủy thác 12,7 tỷ đồng, ngân sách tỉnh cấp 6 tỷ đồng, ngân sách huyện cấp 8,31 tỷ đồng, còn lại là nguồn vận động. Số tiền trên được triển khai cho vay từ năm 2010 đến nay, đã xây dựng và nhân rộng 79 lượt dự án với hơn 1.700 lượt hộ hội viên nông dân được vay vốn. Phân theo lĩnh vực có 11 dự án trồng trọt, với số tiền: 8,8 tỷ đồng; 67 dự án chăn nuôi, với số tiền: 24,35 tỷ đồng; 10 dự án nuôi trồng thủy sản, với số tiền: 4,58 tỷ đồng; 9 dự án kinh doanh, dịch vụ, với số tiền: 2,34 tỷ đồng.

    Quỹ HTND trở thành một phần nguồn lực thiết thực giúp nông dân, nhất là những hộ có ý chí quyết tâm làm giàu nhưng thiếu vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh. Các dự án vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân trong toàn tỉnh đều phát huy tốt hiệu quả của nguồn vốn, tạo động lực phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả cao, nhất là xây dựng các Tổ hội nghề nghiệp, mô hình Tổ hợp tác trong sản xuất, kinh doanh… phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương, được cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Nhiều dự án phát huy tốt hiệu quả và được địa phương quan tâm nhân rộng như dự án nuôi gà thả đồi tại xã Phú Nhuận (huyện Bảo Thắng), vịt bầu tại xã Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên), cá chép lai thâm canh, cá rô đơn tính tại huyện Bảo Thắng, Bát Xát và thành phố Lào Cai; điển hình là các dự án chăn nuôi trâu, bò, ngựa sinh sản tại các huyện Bảo Yên, Văn Bàn, Bảo Thắng, Bát Xát đã phát huy được lợi thế nguồn thức ăn cho gia súc phong phú, phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu nên đàn gia súc phát triển rất tốt, đem lại giá trị kinh tế cao có sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn tỉnh. Bên cạnh đó, Quỹ HTND tỉnh cũng đã quan tâm đầu tư vốn xây dựng các dự án nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế về khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng của từng địa phương như: Mô hình trồng cây Cam Lương Sơn tại huyện Bảo Yên; Bưởi Múc, Na dai tại huyện Bảo Thắng; Mận Tam hoa tại thị trấn Bắc Hà; Cây Lê, Đào Pháp, hoa Ly, Địa lan, cây dược liệu Atiso tại thị trấn Sa Pa (huyện Sa Pa)… đã thu hút và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động ở nông thôn với mức thu nhập ổn định bình quân từ 50 đến 60 triệu đồng/năm. Nhiều mô hình đạt được mức thu nhập lên đến 80-100 triệu đồng/năm. Cá biệt có mô hình các hộ thu đạt vài trăm triệu đồng như hộ bà Ngô Thị Chín trồng hoa Ly ở Sa Pa, hộ ông Bàn Văn Chi, nuôi cá chép thâm canh ở thôn Khởi Khe, thị trấn Phong Hải,... Một số thương hiệu nông sản đã được chứng nhận như: Atiso Sa Pa, Bưởi Múc (xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng), thịt trâu sấy (Bảo Yên)… mô hình chăn nuôi lợn áp dụng nghệ cao (xã Sơn Hải, Phố Lu huyện Bảo Thắng); Mô hình trồng Hoa Ly công nghệ cao (thị trấn Sa Pa, huyện Sa Pa); Phát triển Đàn ngựa (xã Dương Quỳ, huyện Văn Bàn)…

     Nhiều dự án đã xây dựng được các mô hình chi tổ hội nghề nghiệp, góp phần thay đổi nhận thức của nông dân, chuyển từ phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết nhóm, đầu tư thâm canh, tăng năng suất, tạo việc làm và thu nhập. Điển hình như: dự án “Nuôi cá chép lai thâm canh” tại xã Phong Hải (Bảo Thắng), 15 hộ tham gia dự án  đã thành lập Tổ hội nghề nghiệp nuôi cá thâm canh. Sau 2 năm, 100% các hộ trong tổ Hội được tiếp cận với khoa học kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, năm 2018 bình quân mỗi hộ thành viên của tổ cũng có thu hoạch trên một tấn cá/năm, thu nhập đạt gần 100 triệu đồng/hộ, giúp đỡ giảm được 20 hộ nghèo trong thôn, nhiều hộ nghèo trở thành khá giàu có tích lũy được vốn sản xuất kinh doanh. Đến nay đã thu hút được thêm 15 hộ thành viên vào Tổ, đưa tổng số thành viên của Tổ Hội lên 30 người.

Mô hình trồng hoa Ly của bà Ngô Thị Chín tại Sa Pa
 mang lại hiệu quả kinh tế cao
 

    Để nguồn vốn vay sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả cao, cán bộ Hội Nông dân các cấp đã phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát địa bàn, chọn hộ vay đúng đối tượng để tham gia nhóm hộ xây dựng dự án. Với thủ tục cho vay nhanh gọn, không thế chấp, các hộ nông dân sau khi vay vốn, được các cấp Hội chuyển giao KHKT, thành lập các tổ hợp tác liên kết phát triển sản xuất, tư vấn phương án sản xuất, kinh doanh, cách quản lý, sử dụng, giúp các hộ phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, tạo việc làm và tăng thu nhập cho hộ.

    Hiện nay, trước quy mô sản xuất, kinh doanh và nhu cầu nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của nông dân ngày càng lớn, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp an toàn theo chuỗi giá trị và áp dụng công nghệ cao. Quy mô dự án vay vốn Quỹ HTND đã được nâng lên đến 2 tỷ đồng/dự án và hộ vay vốn được vay tối đa là 100 triệu đồng không phải thế chấp tài sản theo quy định tại Nghị định 55/CP. Khi nâng mức cho vay mới cao gấp đôi cho một hộ vay vốn, hội viên nông dân rất phấn khởi và sản xuất hiệu quả.

    Thông qua các dự án Quỹ HTND, hoạt động Hội Nông dân được tiếp thêm nguồn lực, nội dung hoạt động đã đi vào chiều sâu, mang lợi ích thiết thực giúp hội viên nông dân tích cực tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát huy tiềm năng thế mạnh của từng vùng, góp phần giảm nghèo bền vững, ổn định an ninh trật tự và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Hội Nông dân các cấp tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội theo hướng thiết thực, hiệu quả, tăng cường hỗ trợ hội viên về mọi mặt, tạo niềm tin trong hội viên nông dân, thu hút đông đảo nông dân tham gia vào tổ chức Hội, đồng thời nâng cao năng lực quản lý tài chính của cán bộ Hội các cấp, củng cố kiện toàn chi, tổ Hội, thành lập được các tổ hợp tác, hợp tác xã, góp phần xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.



Vũ Hạnh
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập