Quốc hội “chốt” xây dựng đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trị giá 8,4 tỷ USD kết nối Trung Quốc
Sáng nay 19/2, tại Hội trường Diên Hồng, Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, trị giá 203.231 tỷ đồng (gần 8,4 tỷ USD) kết nối Trung Quốc với các tỉnh phía Bắc Việt Nam.
Với 455/459 đại biểu Quốc hội tán thành, chiếm 95,2% số đại biểu tham dự, Quốc hội chính thức thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Theo đó, dự án sau khi được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tháng 2/2025, sẽ được các cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án. Trong quý III/2025, sẽ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, thiết kế, lựa chọn nhà thầu, xây lắp. Cuối năm 2025 sẽ khởi công dự án và cơ bản hoàn thành vào năm 2030.
Với trên 95% số đại biểu tán thành, Quốc hội bấm nút thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt L
Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, dự án sẽ được khởi công cuối năm nay và hoàn thành năm 2030 (Ảnh: NT).
Theo Nghị quyết, dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đi qua 9 tỉnh gồm Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng. Tổng chiều dài toàn tuyến là 390.9 km, điểm đầu Lào Cai - điểm cuối cảng Lạch Huyện (Hải Phòng), kết nối với Trung Quốc.
Các địa phương này chiếm lần lượt 20%, 25,4% và 25,1% về dân số, RGDP và khu công nghiệp của Việt Nam.
Về mức vốn, quy mô dự án là 203.231 tỷ đồng (gần 8,4 tỷ USD) là dự án trọng điểm cấp quốc gia, do Quốc hội quyết định, sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn nước ngoài (vay Chính phủ Trung Quốc) và vốn hợp pháp khác.
Về quy mô đầu tư, dự án đầu tư mới, điện khí hóa, khổ 1.435 mm, vận chuyển chung hành khách và hàng hóa. Tuyến chính đoạn từ ga Lào Cai Mới đến ga Nam Hải Phòng tốc độ thiết kế 160 km/h, đoạn qua khu đầu mối Hà Nội tốc độ thiết kế 120 km/h, các đoạn nối, tuyến nhánh tốc độ thiết kế 80 km/h.
Về công nghệ, sử dụng công nghệ đoàn tàu động lực tập trung cho tàu khách và tàu hàng; hệ thống thông tin, tín hiệu tương đương với hệ thống đang sử dụng tại một số tuyến đường sắt vận chuyển chung hành khách và hàng hóa trong khu vực.
Phương án thiết kế, hướng tuyến được nghiên cứu, lựa chọn bảo đảm ngắn nhất, thẳng nhất có thể, sử dụng 3 loại kết cấu chính trên tuyến (trong đó: kết cấu cầu chiếm khoảng 29% chiều dài tuyến, hầm khoảng 7% và nền đất khoảng 64%) bảo đảm phù hợp với các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; hạn chế đi qua các khu vực nhạy cảm về môi trường tự nhiên, xã hội, đất quốc phòng; hạn chế khối lượng GPMB, bảo đảm kết nối thuận lợi với các tuyến đường sắt khu vực đầu mối Hà Nội, đường sắt kết nối Trung Quốc.
Công trình dự kiến có 18 ga (bao gồm 03 ga lập tàu, 15 ga hỗn hợp). Ngoài ra, để thực hiện các tác nghiệp kỹ thuật phục vụ chạy tàu, dự kiến bố trí 13 trạm tác nghiệp kỹ thuật. Quá trình khai thác, khi nhu cầu nhu cầu vận tải tăng lên sẽ nghiên cứu, nâng cấp một số trạm tác nghiệp kỹ thuật thành ga hỗn hợp và đầu tư bổ sung các ga khi có nhu cầu.
Về hiệu quả, việc đầu tư Dự án sẽ mang lại những lợi ích cho nền kinh tế: Tạo tiền đề, động lực phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đáp ứng nhu cầu vận tải, tái cơ cấu vận tải theo hướng phát huy tối đa lợi thế của từng phương thức; mở ra không gian phát triển kinh tế mới, nguồn lực mới thông qua khai thác hiệu quả quỹ đất; phát triển công nghiệp xây dựng, công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ; phát triển đô thị, du lịch, dịch vụ; giảm ô nhiễm môi trường; giảm tai nạn giao thông và tạo công ăn việc làm.
Theo Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh khẳng định: Dự án sẽ tạo giá trị khoảng 4,56 tỷ USD, ước tính tạo khoảng 90.000 việc làm trong thời gian xây dựng và 2.500 việc làm lâu dài.
Về cơ chế đặc thù, cơ quan soạn thảo khẳng định đây là Dự án có tiến độ rất gấp, quy mô lớn, nếu thực hiện theo quy định hiện hành thì sẽ không đáp ứng tiến độ theo yêu cầu.
Đồng thời, với chủ trương của Đảng về tăng trưởng 2 con số giai đoạn 2026 - 2030 thì việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án sẽ là một động lực góp phần tăng trưởng.
Trên cơ sở nghiên cứu các chính sách đã được Quốc hội thông qua cho đường sắt tốc độ cao và những đặc thù của dự án, tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của các Đại biểu tại các phiên thảo luận Tổ, Bộ Xây dựng kiến nghị Quốc hội cho phép áp dụng 15 chính sách tại Nghị quyết số 172/2024/QH15 và bổ sung 03 chính sách mới.
Trước đó, như Dân Việt đưa tin, chiều ngày 15/2 tại thảo luận về chủ trương đầu tư đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng ở Hội trường Quốc hội, sau khi lắng nghe ý kiến của đại biểu, Bộ trường Bộ Xây Dựng Trần Hồng Minh khẳng định: Tổng mức đầu tư dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng thấp hơn là tương đối hợp lý so với vùng, khu vực và đơn giá trong nước.
Cụ thể, ông Minh cho biết: Các tuyến đường sắt ở các nước lân cận ví dụ như Trung Quốc có một tuyến đường từ Ngọc Khê đi Mạc Hàn (Trung Quốc) giải phóng mặt bằng các thứ thì không đưa vào, chỉ có chi phí xây dựng và thiết bị. Hiện nay tổng mức đầu tư của họ là 498 km thì tổng mức là 7,3 tỷ USD tương đương với 17,95 triệu USD/km. Hay là tuyến đường sắt mới nhất của Lào là từ Vientiane đến Boten dài 418 km có tổng mức đầu tư là 5,96 tỷ USD và suất đầu tư quy đổi thì khoảng 16,77 triệu USD/km.