image banner
Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm: Nông nghiệp hiện đại cần có người nông dân chuyên nghiệp
Lượt xem: 173

Đó là một trong những nhấn mạnh của Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm khi trao đổi với phóng viên Dân Việt trước thềm Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII với chủ đề: “Người nông dân chuyên nghiệp”.

5 yếu tố cần có của người nông dân chuyên nghiệp

Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII chọn một chủ đề được đánh giá rất thú vị: "Người nông dân chuyên nghiệp". Xin Phó Chủ tịch cho biết mục đích, ý nghĩa của việc T.Ư Hội NDVN tổ chức diễn đàn lần này cũng như chủ đề của diễn đàn?

- Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII là dịp để tập hợp các ý kiến của nông dân giỏi các cấp về các vấn đề trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn hiện nay, đặc biệt là nội dung xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, xây dựng người nông dân chuyên nghiệp theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. 

Đồng thời, đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa nông dân - doanh nghiệp, giữa nông dân với nông dân thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác, các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII.

Phó Chủ tịch Hội NDVN Bùi Thị Thơm (trái) thăm mô hình trồng lan ứng dụng công nghệ cao ở huyện An Dương (TP.Hải Phòng). Ảnh: Vũ Hải

Đến nay, trên cơ sở tổng hợp các kiến nghị, tâm tư của nông dân, các nhóm vấn đề sẽ được đưa ra thảo luận giữa nông dân với đại diện các bộ, ngành, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp tại Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ VII gồm: Thúc đẩy liên kết giữa nông dân - doanh nghiệp, nông dân - nông dân để xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất, tiêu thụ hàng hóa; các cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân thực hiện chuỗi liên kết, các chi, tổ hội nghề nghiệp, xây dựng nông nghiệp sinh thái, đào tạo nghề, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao trình độ cho nông dân; hỗ trợ nông dân chuyển đổi số, có kiến thức thị trường, giới thiệu, quảng bá, tiếp thị nông sản… để tiến tới hình ảnh người nông dân chuyên nghiệp.

Theo Phó chủ tịch, người nông dân chuyên nghiệp là người cần những yếu tố gì?

- Nông dân là chủ thể, trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp. Muốn có nền nông nghiệp hiện đại phải có người nông dân chuyên nghiệp. Theo tôi, người nông dân chuyên nghiệp cần hội tụ những nhóm yếu tố sau: 

Thứ nhất là có tri thức, tư duy kinh tế, kiến thức, kỹ năng sản xuất nhất là kiến thức khoa học - kỹ thuật, quản trị, tổ chức sản xuất tiên tiến, kiến thức thị trường, công nghệ thông tin, chuyển đổi số; có kiến thức và hành động vì một nền nông nghiệp phát triển bền vững, hiệu quả, thân thiện môi trường, chất lượng an toàn…

Thứ hai, người nông dân chuyên nghiệp phải có tư duy đổi mới, sáng tạo; biết sản xuất ra những sản phẩm thị trường cần, theo nhu cầu thị trường chứ không phải sản xuất theo thứ mình có; hiểu rõ sức mạnh của hợp tác, tự nguyện tham gia các tổ chức kinh tế tập thể; liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ.

Thứ ba, người nông dân chuyên nghiệp phải là người yêu nước, có phẩm chất đạo đức, sức khỏe, có nếp sống văn minh, tôn trọng pháp luật, trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, vì sức khỏe và lợi ích chung của cộng đồng, xã hội.

Thứ tư, có trình độ, kỹ năng tổ chức đời sống gia đình văn minh, hạnh phúc; cùng tham gia xây dựng cộng đồng văn minh; có ý chí khát vọng vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình, quê hương, đất nước.

Thứ năm, nông dân chuyên nghiệp là những nông dân biết tạo cơ hội, điều kiện để tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu và phúc lợi công cộng theo hướng rút ngắn khoảng cách về mức sống, chất lượng sống với cư dân đô thị.

Ngày sau diễn đàn, ngày mai 13/9, T.Ư Hội NDVN sẽ tổ chức hội nghị biểu dương 300 nông dân tiêu biểu sản xuất kinh giỏi toàn quốc. Phó Chủ tịch đánh giá như thế nào về những nhân tố này với việc thúc đẩy xây dựng hình ảnh người nông dân Việt Nam chuyên nghiệp?

- Những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, Nông dân Việt Nam xuất sắc đều là những gương mặt tiêu biểu, đại diện cho nông dân cả nước. Họ đều là những nhà nông năng động, sáng tạo trong cơ chế thị trường, đi đầu trong ứng dụng KHKT, công nghệ cao, các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất kinh doanh, có các giải pháp áp dụng mô hình sản xuất gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản hàng hóa. Đáng quý, những nông dân giỏi, nông dân xuất sắc còn rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện và đi đầu trong việc xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Có thể nói, những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, NDVN xuất sắc chính là những đầu tàu truyền động lực, cổ vũ, khuyến khích nông dân cả nước hăng hái tham gia lao động sản xuất, vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm, khát vọng vươn lên làm giàu; thúc đẩy nông nghiệp phát triển, xây dựng nông thôn mới, hình thành lớp người nông dân chuyên nghiệp. 

Đây cũng chính là những tấm gương hiện hữu điển hình để Hội NDVN xây dựng, nhân rộng và lan toả hình ảnh người nông dân chuyên nghiệp, người nông dân văn minh.

7 nhóm giải pháp hỗ trợ để người nông dân chuyên nghiệp

Góp phần xây dựng giai cấp nông dân, người nông dân chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển tam nông trong thời gian tới, Hội NDVN tập trung nhiệm vụ, giải pháp gì, thưa Phó Chủ tịch?

- Để góp phần xây dựng giai cấp nông dân, người nông dân chuyên nghiệp, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, Hội NDVN tiếp tục thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của Hội, trong đó có 7 nhóm giải pháp chính.

Nhiệm vụ đầu tiên là phải tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho nông dân nắm được những nội dung, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là những yêu cầu đặt ra hiện nay.

Nhiệm vụ thứ 2 là tăng cường trang bị kiến thức cho nông dân thông qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao năng lực cho nông dân. Người nông dân làm chủ kiến thức sẽ tự quyết định được con đường cho mình.

Nhiệm vụ thứ 3 là tổ chức thật tốt và có hiệu quả các dịch vụ tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ, tạo việc làm cho nông dân; định hướng dẫn dắt cho nông dân, hỗ trợ nông dân thay đổi tư duy trong sản xuất, kinh doanh, lấy giá trị, hiệu quả, nhân văn làm mục tiêu phát triển; liên kết, hợp tác trong sản xuất…

 Nhiệm vụ thứ 4 là phải quan tâm thường xuyên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người nông dân, phát huy được vai trò là cầu nối giữa Đảng và nông dân.

Nhiệm vụ thứ 5 là tăng cường mở rộng các hoạt động về đối ngoại và hợp tác quốc tế để khai thác các nguồn lực, hỗ trợ cho nông dân phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. 

Nhiệm vụ thứ 6 là xây dựng tổ chức Hội ND vững mạnh, tập hợp đoàn kết nông dân tham gia tổ chức Hội; đẩy mạnh thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp; không ngừng đổi mới nội dung hoạt động, lấy quyền và lợi ích thiết thân của nông dân làm mục đích hoạt động của Hội.

Nhiệm vụ giải pháp cuối cùng, rất quan trọng, đó là phải làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, tăng cường phối hợp với chính quyền, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hiệp hội để tạo ra những cơ chế, chính sách khai thác những nguồn lực, kinh phí, tạo điều kiện thuận lợi để Hội ND các cấp thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình.

"Có 4 nội dung chính mà chúng tôi mạnh dạn kiến nghị. Thứ nhất là đề nghị với Đảng xây dựng Nghị quyết chuyên đề về xây dựng Hội Nông dân Việt Nam và giai cấp nông dân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa quốc tế.

Thứ hai, đề nghị với Chính phủ tạo cơ chế, chính sách, nguồn lực kinh phí để giúp cho các cấp Hội thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, đó là tổ chức đại diện cho giai cấp nông dân để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp cho nông dân, chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của nông dân.

Hội Nông dân Việt Nam kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, các cấp chính quyền, phối hợp tạo điều kiện cho Hội Nông dân các cấp được thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, dự án, phát triển kinh tế- xã hội, bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng ngay trên địa bàn của mỗi địa phương.

Mong muốn cuối cùng, Chính phủ tạo cơ chế về nguồn lực, kinh phí để Hội Nông dân Việt Nam thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nông dân các kiến thức, đào tạo nghề, nâng cao trình độ tay nghề cho người nông dân.

Cuối cùng, tôi vẫn muốn khẳng định lại rằng, chỉ khi người nông dân có đủ kiến thức, có tri thức mới có thể quyết định được hướng đi của mình để nâng cao đời sống, thu nhập cho chính bản thân nông dân, cho gia đình và góp phần vào xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh" - Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm.

Theo nguồn Báo Điện tử Dân Việt
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập