image banner
Bước chuyển từ Nghị quyết 10
Lượt xem: 93

 Nghị quyết số 10 ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được ban hành với mục tiêu tạo sự đột phá trong tư duy lãnh đạo phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển từ nông nghiệp an sinh sang nông nghiệp hàng hóa. Sau 1 năm triển khai, những kết quả đạt được bước đầu khẳng định Nghị quyết 10 đi vào cuộc sống và cuộc sống đã được đưa vào Nghị quyết 10.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan thăm vùng dứa Mường Khương.

Mặc dù là huyện vùng cao, nhưng những năm qua, Mường Khương đã tìm hướng đi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, trình độ lao động, đó là ưu tiên đầu tư phát triển nông nghiệp, tập trung vào những cây trồng chủ lực, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa, như chè (hơn 4.000 ha), chuối (1.454 ha), dứa (1.480 ha), quế (1.182 ha)… Tuy nhiên, vấn đề đặt ra trong sản xuất nông nghiệp ở Mường Khương là hình thức tổ chức sản xuất chậm đổi mới, liên kết trong các chuỗi giá trị còn hạn chế, dẫn đến đầu ra cho nông sản gặp khó khăn. Khi Nghị quyết 10 ra đời, huyện Mường Khương xác định rõ, nông nghiệp trụ cột kinh tế của địa phương và đưa ra những giá trị cốt lõi là khai thác tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa; sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập, mức sống của người nông dân, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị; chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp.

Các địa phương quan tâm phát triển kinh tế đồi rừng.

Đồng chí Giàng Quốc Hưng, Bí thư Huyện ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa huyện Mường Khương cho biết: Cả hệ thống chính trị của huyện vào cuộc với quyết tâm cao nhất để sớm đưa Nghị quyết 10 vào cuộc sống.

Minh chứng cho điều này, Bí thư Huyện ủy Mường Khương Giàng Quốc Hưng lấy ví dụ về cây chè - một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh và của Mường Khương. Trước khi Nghị quyết 10 ra đời, cây chè đã có mặt tại các xã vùng thấp của huyện hàng chục năm, nhưng đối với nông dân các xã Pha Long, Tả Gia Khâu, Dìn Chin, Tả Ngài Chồ, Nậm Chảy thì chè vẫn là cây trồng mới và hầu như rất khó thuyết phục người dân ở các xã này chấp nhận để cây chè bén rễ. Vẫn biết tuổi thọ cây chè cao, chu kỳ thu hoạch dài và khả năng thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, dễ trồng, nhưng làm thế nào để người dân ở các xã vùng cao hiểu được? Huyện xác định, đây là vấn đề tư duy sản xuất, muốn người dân chấp nhận cây chè, không có cách nào khác là để họ trực tiếp nghe, nhìn thấy. Huyện chỉ đạo mỗi xã chọn vài hộ đưa xuống vùng chè Thanh Bình, Lùng Vai, Bản Sen, bố trí họ cùng ăn, cùng ở, cùng trồng, chăm sóc, thu hái chè. Với cách làm không giáo điều, không lý thuyết suông, mà gắn với thực tế, trong thời gian không dài, hầu hết người dân ở các xã vùng cao đã thay đổi suy nghĩ. Năm 2022, huyện Mường Khương được UBND tỉnh giao trồng mới 860 ha chè, nhưng người dân đã đăng ký trồng 897 ha, bằng 104% kế hoạch tỉnh giao. Điều đáng nói, tất cả các xã trên địa bàn huyện đăng ký trồng chè và lần đầu tiên, cây chè bén đất Pha Long, Tả Gia Khâu, Dìn Chin, Tả Ngài Chồ, Nậm Chảy.

Thu hút đầu tư chế biến nông sản.

Không chỉ vậy, huyện Mường Khương đã chuyển đổi 1.969 ha đất trồng cây kém hiệm quả sang phát triển các ngành hàng chủ lực (chè, dứa, chuối, quế), nâng tổng diện tích sản xuất các ngành hàng chủ lực trên địa bàn huyện lên 9.027 ha, chiếm gần 40% tổng diện tích các cây trồng nông nghiệp hiện có.

Đối với Bát Xát, Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy là nền tảng, định hướng để huyện xây dựng chiến lược phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa dựa trên tiềm năng, lợi thế của địa phương. Huyện đã mời Viện Rau quả, Viện Khoa học Nông - lâm nghiệp miền núi phía Bắc... tư vấn trong việc quy hoạch, định hướng các loài cây trồng, vật nuôi, vùng sản xuất phù hợp với Nghị quyết 10 của tỉnh. Mặc dù là huyện nghèo, nhưng trong khả năng có thể, Bát Xát đã bố trí được một số nguồn lực đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Đồng chí Phạm Năng Chung, Phó Chủ tịch UBND huyện Bát Xát cho biết: Huyện đã mời gọi các doanh nghiệp, đồng thời thành lập tổ công tác để giúp đỡ, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp. Đến nay, trên địa bàn huyện có 6 doanh nghiệp và 9 hợp tác xã đang có các hoạt động đầu tư sản xuất nông nghiệp. Trong đó, đối với nhóm ngành hàng chủ lực cấp tỉnh, có 2 doanh nghiệp liên kết sản xuất và tiêu thụ chuối; 1 doanh nghiệp và 1 hợp tác xã liên kết sản xuất và tiêu thụ chè; 1 doanh nghiệp và 1 hợp tác xã liên kết sản xuất và tiêu thụ dược liệu; 1 hợp tác xã liên kết sản xuất rau trái vụ. Ngoài ra, hơn 20 doanh nghiệp đang nghiên cứu, khảo sát để lựa chọn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Phát triển cây dược liệu - 1 trong 5 cây chủ lực theo Nghị quyết 10.

Không chỉ Mường Khương, Bát Xát mà các địa phương trong tỉnh đều chủ động, sáng tạo trong việc triển khai Nghị quyết 10. Mặc dù Nghị quyết 10 mới triển khai được 1 năm, nhưng bước đầu đã đem lại hiệu quả, tạo bước chuyển mới trong nông nghiệp. Ông Lê Tân Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: Sau 1 năm triển khai, Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tác động rất lớn và toàn diện đến lĩnh vực nông nghiệp, có thể đánh giá bằng 4 kết quả nổi bật. Trước hết, đó là sự thay đổi nhận thức, tư duy phát triển nông nghiệp. Việc triển khai Nghị quyết 10 đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, các nội dung của nghị quyết được triển khai cụ thể, thực chất và hằng tháng được đánh giá, kiểm điểm sâu sắc.

Các giải pháp mà nghị quyết đưa ra đã được các địa phương vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với thực tế. Nghị quyết đã tạo sự năng động, chủ động của các ngành, nhất là các địa phương, bởi chủ trương đã có, việc cụ thể hóa như thế nào phụ thuộc vào các ngành và địa phương. Do vậy, các ngành và địa phương đã phối hợp chặt chẽ hơn, chủ động hơn trong việc triển khai các nội dung thay vì trông chờ chỉ đạo của tỉnh.

Các địa phương tập trung phát triển, mở rộng diện tích trồng quế và chè.

Sự ứng phó trong sản xuất nông nghiệp với thị trường ngày càng tốt hơn. Nghị quyết 10 được triển khai trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, giá vật tư nông nghiệp tăng mạnh, thị trường tiêu thụ nông sản bị gián đoạn. Tuy vậy, sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn đứng vững, nông sản cơ bản vẫn tiêu thụ tương đối ổn định.

Các ngành hàng chủ lực theo Nghị quyết 10 đều có sự phát triển rõ nét. Tính đến tháng 8/2022, cây chè 6.373 ha; cây dược liệu 483 ha; cây chuối 3.111 ha; cây dứa 2.001 ha; cây quế 49.433 ha; tổng đàn lợn ước đạt 421.385 con. Thực hiện chuyển đổi khoảng 2.671 ha đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng các loại cây chủ lực, tiềm năng (trong đó có 76 ha chè, 166 ha chuối, 365 ha dứa, 134 ha dược liệu, 1.253 ha quế, 224 ha rau, 505 ha cây ăn quả, 23 ha cây dâu tằm). Đẩy mạnh thu hút nhà đầu tư thực hiện các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp. Từ đầu năm 2022 đến nay, có 3 dự án được quyết định chấp thuận đầu tư và 8 dự án đang nghiên cứu, xin chủ trương lập dự án đầu tư. “Những kết quả đạt được cho thấy Nghị quyết 10 hoàn toàn đúng và trúng dựa trên đánh giá khoa học, xác định đúng thực tế và yêu cầu sản xuất nông nghiệp. Đó sẽ là nền tảng vững chắc để chúng ta thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Chiến lược sản xuất nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đã đề ra”, ông Lê Tân Phong cho biết.


 

Theo nguồn Báo Lào Cai Điện
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập